Chấn thương tâm lý phức tạp, khó khăn từ các mối quan hệ

Chấn thương tâm lý phức tạp thường xảy ra khi trẻ em hoặc người trẻ trải qua chấn thương lặp đi lặp lại. Nó cũng có thể xảy ra ở tuổi trưởng thành. Một số người trải qua chấn thương trong suốt cuộc đời của họ.

Những chấn thương tâm lý phức tạp:

  • thường xảy ra giữa người với người
  • có thể xảy ra khi bạn trải qua chấn thương lặp đi lặp lại khi còn nhỏ, tuổi vị thành niên hoặc trưởng thành
  • thường liên quan đến việc ‘bị” hoặc “cảm thấy’ bị mắc kẹt
  • thường do cố ý, có tính cực đoan, đang diễn ra và/hoặc lặp đi lặp lại
  • thường có những tác động có thể kéo dài
  • có thể khiến bạn cảm thấy tủi nhục
  • có thể ngăn bạn cảm thấy an toàn và có thể tin tưởng
  • có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân
  • có thể khiến bạn khó quản lý cảm xúc của mình
  • có thể có nghĩa là bạn sử dụng các chiến lược đối phó khác nhau như rượu và ma túy, tự làm hại bản thân, ăn quá nhiều hoặc thiếu chất hoặc làm việc quá sức
  • có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống của bạn
  • có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn và khả năng quản lý cuộc sống hàng ngày của bạn

Ở trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên

Khi bạn không được bảo vệ hoặc chăm sóc khi còn nhỏ hoặc trong độ tuổi đang trưởng thành, bị tổn thương hoặc bị phản bội, bạn có thể chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Một số người dường như không phải chịu những ảnh hưởng này.

Những người khác lại có thể không nhận ra tác động của chấn thương cho đến rất lâu sau đó. Điều quan trọng là ta cần hiểu rằng mọi người có khả năng phục hồi chấn thương từ khi còn rất nhỏ. Có vẻ như không phải lúc nào việc phục hồi cũng là khả dĩ nhưng việc giữ vững hy vọng được phục hồi là rất quan trọng. Đôi khi người khác có thể hỗ trợ bạn giữ vững niềm tin khi bạn không thể làm điều đó cho chính mình.

Đôi khi cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có những trải nghiệm chấn thương tâm lý của riêng họ trực tiếp ảnh hưởng đến trẻ. Các vấn đề này bao gồm các bệnh rối loạn tâm thân, việc lạm dụng ma túy hoặc rượu, hoặc phó mặc về thể chất hoặc tinh thần. Điều này thường trở nên tồi tệ hơn do hoàn cảnh gia đình. Chẳng hạn gia đình như không có đủ điều kiện tài chính hoặc bị phân biệt đối xử. Nhiều tình huống có thể gây ra chấn thương tâm lý phức tạp trong thời thơ ấu.

Những người bị lạm dụng tình cảm, thể chất hoặc tình dục hoặc bị bỏ rơi về thể chất hoặc tinh thần, bị bắt nạt, bắt nạt trên mạng, bị bóc lột, bị buôn bán, bị ép làm con nuôi khi còn nhỏ hoặc thanh niên thường trải qua chấn thương tâm lý phức tạp.

Những người từng trải qua hoặc chứng kiến bạo lực trong cộng đồng hoặc trong nhà và gia đình khi họ lớn lên cũng vậy.

Những người bắt buộc phải chối bỏ với nguồn gốc văn hóa của bản thân, chẳng hạn như trường hợp của những người tị nạn trẻ tuổi, người xin tị nạn, cũng như những người bị phân biệt đối xử như thường xảy ra với trẻ em và thanh niên khuyết tật, những người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ và những người có trải nghiệm đa văn hóa là những đối tượng khác có thể có chân thương tâm lý phức tạp.

Ở người trưởng thành

Chấn thương tâm lý phức tạp không phải lúc nào cũng là kết quả của chấn thương từ thời thơ ấu. Nó cũng có thể xảy ra do trải nghiệm bạo lực của người lớn trong nhà, gia đình, khu phố và nơi làm việc. Nó có thể là bạo lực thể chất, tình dục, cảm xúc, lời nói, tài chính hoặc tinh thần. Các nguyên nhân khác là bạo lực trong cộng đồng như bất ổn dân sự, chấn thương chiến tranh hoặc diệt chủng, chấn thương của người tị nạn và người xin tị nạn, bóc lột và buôn bán tình dục, chấn thương y tế nghiêm trọng và cả công việc có tính chất phản ứng cấp thời lặp đi lặp lại như của nhân viên cấp cứu, lực lượng vũ trang.

Trong nhiều trường hợp, những người đã trải qua chấn thương tiếp tục phải trải qua chấn thương một lần nữa khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Điều này được gọi là tái chấn thương và thường xảy ra một cách vô ý. Các dịch vụ hỗ trợ được đào tạo chuyên sâu về chấn thương có thể làm giảm khả năng tái chấn thương.

Sự khác biệt giữa chấn thương tâm lý thông thường và chấn thương tâm lý phức tạp từ một sự cố là gì?

Chúng tôi gọi chấn thương tâm lý xảy ra với một sự kiện duy nhất: chấn thương sự cố đơn lẻ. Chấn thương do sự cố đơn lẻ thường liên quan đến Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD). Người có PTSD có thể trải qua chấn thương do sự cố đơn lẻ do cháy rừng, lũ lụt, tấn công tình dục, tai nạn nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành hoặc chiến đấu trong chiến tranh. Mặc dù những người từng trải qua chấn thương tâm lý phức tạp cũng có thể bị PTSD, nhưng chấn thương tâm lý phức tạp thường gây ra những tác động sâu rộng hơn so với PTSD đơn thuần.

Bạn có thể phục hồi (chữa lành) sau chấn thương tâm lý phức tạp không?

Ai cũng có thể phục hồi sau chấn thương tâm lý phức tạp và những ảnh hưởng của nó. Có một tin vui là việc chữa lành không bao giờ là quá muộn. Kết luận này được đưa ra từ nghiên cứu khoa học và từ câu chuyện của những người đã vượt qua chấn thương tâm lý. Điều này không có nghĩa là nó dễ dàng hoặc chúng ta có thể đơn giản bỏ qua những trải nghiệm chấn thương tâm lý của mọi người. Nhưng nó có nghĩa là ta có hy vọng chữa lành và phục hồi.

Nghiên cứu cũng cho chúng ta thấy rằng khi cha mẹ đã vượt qua chấn thương tâm lý thì con cái họ cũng sẽ phát triển tốt hơn. Một phần của quá trình phục hồi bao gồm việc công nhân nhận sức mạnh và khả năng phục hồi mà mỗi người sống sót đã cho thấy khi cố gắng vượt qua chấn thương.

Điều này có thể khó cho những người đã vượt qua tự thực hiện, nhưng đó là sự thật. Những người đã vượt qua thường có nhiều điểm mạnh nhưng khó có thể nhận ra chúng và phát huy chúng. Các phương pháp trị liệu chấn thương dựa trên điểm mạnh có thể rất hữu ích. Một điều quan trọng nữa là giữ một thái độ hy vọng và lạc quan rằng cuộc sống có thể và thường sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Chẩn đoán của chấn thương tâm lý phức tạp thì sao?

Vấn đề chẩn đoán cho những người có tiền sử chấn thương tâm lý phức tạp là một thách thức. Nhiều người được đưa ra nhiều chẩn đoán. Điều này là do hệ thống y tế của chúng ta hoạt động dựa trên chẩn đoán và mặc dù khái niệm chấn thương tâm lý phức tạp đã có từ lâu nhưng DSM (cẩm nang về rối loạn sức khỏe tâm thần của Hoa Kỳ) và ICD (phân loại toàn cầu về rối loạn sức khỏe tâm thần) vẫn đang tiếp tục cập nhật.

Chẩn đoán Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý phức tạp (PTSD phức tạp) được đưa vào ICD 11 sắp tới vào năm 2022. Mặc dù chẩn đoán này không mô tả đầy đủ chấn thương phức tạp, nhưng đây là một bước quan trọng vì việc điều trị PTSD phức tạp rất khác so với điều trị PTSD thông thường.

Các yếu tố hỗ trợ phục hồi chấn thương tâm lý phức tạp?

Có rất nhiều cách để chữa lành chấn thương tâm lý phức tạp nhưng có thể khó chữa lành khi bị người đó còn đang bị cô lập. Tuy nhiên, cũng rất khó để những người từng bị phản bội tin tưởng người khác hoặc cảm thấy an toàn khi ở bên người khác. Điều này có thể mất thời gian nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn.

Chúng tôi biết rằng con người có thể bị tổn hại trong mối quan hệ nhưng cũng phục hồi trong mối quan hệ. Điều này có thể là với gia đình, bạn bè, những người cùng trải qua chấn thương, trong tham vấn trị liệu, trong một nhóm, hoặc kết hợp của tất cả những đối tượng trên. Bạn bè, gia đình, những người mà bạn tin tưởng và bạn cảm thấy an toàn có thể thực sự hỗ trợ bạn trên hành trình hồi phục. Hỗ trợ đồng đẳng (từ những người sống sót khác) cũng có thể rất hữu ích. Những người này có thể sử dụng kinh nghiệm của chính họ để giúp bạn cảm thấy an toàn và cũng phát huy thế mạnh của bạn.

Mỗi người đã từng trải qua chấn thương là một cá nhân với một câu chuyện riêng, có nhu cầu và mong muốn khác nhau. Có nhiều cách hỗ trợ và tiếp cận khác nhau có thể hữu ích với mọi người, ngoài những gì được nêu ở đây. Nhiều người đã trải qua chấn thương đọc rất nhiều để giúp họ hiểu hơn về bản thân cũng như nhận thấy tầm quan trọng của các tài liệu self-help. Các thông tin này đều rất hữu ích, tuy nhiên, ta cũng cần thử nghiệm và đảm bảo rằng chúng là những nguồn đang tin cậy.

Khi quyết định gặp tham vấn viên, có một số lưu ý hữu ích. Trong tham vấn trị liệu, việc xây dựng mối quan hệ tin cậy giữa thân chủ và nhà trị liệu là rất quan trọng.

Một điều khác cần lưu ý là sự kết hợp giữa các tiếp cận “từ thân” và “từ tâm”. Điều này có nghĩa là một cách tiếp cận bao gồm cơ thể, cảm xúc và nhận thức (tâm trí). Điều này rất quan trọng vì chấn thương tâm lý phức tạp phá vỡ các kết nối giữa các chức năng khác nhau này. Mục đích của liệu pháp là thúc đẩy các kết nối giữa chúng và tái hòa nhập (kết nối lại) cảm xúc, cảm giác, nhận thức và suy nghĩ. Các phương pháp tiếp cận dựa trên cơ thể như các tư thế yoga và phương pháp chánh niệm dành riêng chấn thương có thể giúp kết nối lại cơ thể và tâm trí.


Biên tập: Keira Ngo

Ảnh: Guillaume de Germain

Nguồn:

https://blueknot.org.au/resources/understanding-trauma-and-abuse/what-is-complex-trauma/

Đọc thêm:

https://tamlyhoc101.com/chan-thuong-tam-ly-lien-the-he-duoc-to-tien-ta-truyen-lai-the-nao-20230331

https://tamlyhoc101.com/chan-thuong-tam-ly-lien-the-he-la-gi-va-lam-sao-de-chua-lanh-20230321

https://tamlyhoc101.com/di-san-ma-chan-thuong-tam-ly-de-lai-20230316

https://tamlyhoc101.com/nhung-dieu-ban-can-biet-ve-chan-thuong-tam-ly-phuc-tap-20230509

https://tamlyhoc101.com/chan-thuong-tam-ly-o-tre-nho-nhung-noi-dau-tam-ly-keo-dai-20230509

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục