Mười điều bạn cần biết để vượt qua chứng OCD

Mười điều bạn cần biết để vượt qua chứng OCD

Tôi đã tích cực tham gia điều trị OCD từ năm 1982 và đã điều trị hơn 850 trường hợp mắc chứng rối loạn này. Trong thời gian đó, tôi đã có nhiều hiểu biết đáng giá mà tôi tin rằng đây là công cụ quan trọng cho bất kỳ ai dự định điều trị chứng rối loạn này. Việc tổng hợp danh sách kiểu này luôn có vẻ tùy tiện về những thứ cần thêm vào, tuy nhiên, nhưng nói cho cùng thì, nó đã được hoàn thành, với một lượng thông tin nhất định có thể giúp cho nỗ lực hồi phục của bất kỳ ai trở nên hiệu quả hơn.

Một số điểm ở đây trông có vẻ hiển nhiên, nhưng chúng luôn khiến tôi ngạc nhiên khi bệnh nhân mới của tôi, những người thông minh và hiểu biết, lại nhận biết được rất ít những thông tin này khi tham gia trị liệu.

Bạn có thể không thích một số điều trong danh sách này, vì chúng có thể không phải là điều bạn muốn nghe. Bạn không cần phải thích chúng. Tuy nhiên, nếu muốn thay đổi, bạn sẽ cần phải chấp nhận chúng. Các khái niệm về sự thay đổi và sự chấp nhận song hành và xác định lẫn nhau. Có một số điều bạn sẽ có thể thay đổi, và một số điều bạn sẽ phải chấp nhận. Điều quan trọng là phải phân biệt rõ hai điều này, để những nỗ lực của bạn sẽ không đi lệch hướng.

Danh sách của tôi như sau:

1. OCD là mãn tính

Điều này nghĩa là nó giống như bị hen suyễn hoặc tiểu đường. Bạn có thể kiểm soát nó và hồi phục, nhưng hiện tại, không có cách để chữa khỏi. Luôn có khả năng tiềm ẩn ở phía sau, ngay cả khi nó không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Quan điểm hiện nay cho rằng nó có thể có nguồn gốc di truyền, và trong khả năng hiện tại chúng ta không thể điều trị được ở mức độ đó. Những điều bạn sẽ phải làm để điều trị thực sự có thể kiểm soát được, và nếu bạn không học cách tận dụng chúng một cách hiệu quả trong suốt cuộc đời, bạn sẽ có nguy cơ tái phát. Điều này có nghĩa là nếu bạn không sử dụng các công cụ được cung cấp trong liệu pháp hành vi nhận thức hoặc nếu bạn ngừng dùng thuốc (trong hầu hết các trường hợp), bạn sẽ sớm nhận ra mình bị các triệu chứng vây quanh một lần nữa.

2. Hai trong số các đặc điểm chính của OCD là nghi ngờ và cảm giác tội lỗi

Mặc dù chưa rõ tại sao lại như vậy, nhưng đây được coi là dấu hiệu xác nhận tiêu chuẩn của chứng rối loạn này. Nếu không hiểu những điều này, bạn không thể hiểu rõ về OCD. Vào thế kỷ 19, OCD được gọi là “căn bệnh ngờ vực”.  OCD có thể khiến người bệnh nghi ngờ ngay cả những điều cơ bản nhất về bản thân, người khác hoặc thế giới họ đang sống. Tôi đã thấy những bệnh nhân nghi ngờ về tình dục, sự tỉnh táo, nhận thức của họ, liệu họ có phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của những người hoàn toàn xa lạ hay không, khả năng họ trở thành kẻ giết người, v.v … Tôi thậm chí đã thấy những bệnh nhân nghi ngờ về việc liệu họ có thực sự còn sống hay không. Nghi ngờ là một trong những tính chất khó chịu hơn cả của OCD. Nó có thể áp chế cả trí thông minh nhạy bén nhất. Nó là mối nghi ngờ không thể dập tắt. Nó là thứ nghi ngờ đã được nâng lên đến quyền hạn cao nhất. Đó là nguyên nhân khiến người bệnh phải kiểm tra mọi thứ hàng trăm lần, hoặc không ngừng đặt ra những câu hỏi về bản thân hoặc người khác. Ngay cả khi câu trả lời đã được tìm thấy, nó có thể chỉ tồn tại trong vài phút, rồi biến mất như thể nó chưa bao giờ xuất hiện. Chỉ khi người bệnh nhận ra sự vô ích của việc cố gắng giải quyết mối nghi ngờ này, họ mới có thể bắt đầu có tiến triển.

Cảm giác tội lỗi là một phần nghiêm trọng khác của chứng rối loạn. Khá dễ dàng để khiến những người mắc chứng OCD cảm thấy tội lỗi về hầu hết mọi thứ, vì nhiều người trong số họ đã có thừa điều đó. Họ thường cảm thấy có trách nhiệm với những việc mà không ai sẽ nhận về mình

3. Mặc dù bạn có thể chống lại việc thực hiện một hành vi cưỡng bức, nhưng bạn không thể từ chối việc nghĩ đến một ý nghĩ ám ảnh

Nỗi ám ảnh là những sự kiện tinh thần được tạo ra qua quá trình sinh hóa, có vẻ giống với những suy nghĩ thực sự của bản thân một người, nhưng không phải vậy. Một trong những bệnh nhân của tôi từng gọi chúng là “Những suy nghĩ tổng hợp của tôi”.  Chúng giống như các tờ tiền giả so với tiền thật, hoặc như trái cây sáp đối với trái cây thật. Là các sự kiện sinh hóa, chúng không thể đơn giản được tắt theo ý muốn. Các nghiên cứu về ức chế suy nghĩ đã chỉ ra một nghịch lý rằng bạn càng cố gắng không nghĩ về điều gì, bạn sẽ càng nghĩ nhiều về nó . Bí quyết thực sự để đối phó với những ám ảnh mà tôi muốn nói với bệnh nhân của mình là “Nếu bạn muốn nghĩ về nó ít hơn, hãy nghĩ về nó nhiều hơn”.  Bạn cũng không thể chạy trốn hoặc tránh những nỗi sợ hãi đến từ những ám ảnh của bạn. Nỗi sợ hãi cũng bắt nguồn từ tâm trí, và để phục hồi, điều quan trọng là phải chấp nhận rằng không có lối thoát. Cần phải đối mặt với những nỗi sợ. Những người mắc chứng OCD không ở lại với những điều họ sợ hãi đủ lâu để biết được sự thật – rằng nỗi sợ hãi của họ là không chính đáng và sự lo lắng dù sao cũng sẽ tự biến mất mà không cần phải có sự ép buộc hay hoạt động hóa giải.

4.. Liệu pháp Hành vi Nhận thức là hình thức điều trị tốt nhất cho OCD

Liệu pháp Hành vi Nhận thức (CBT) được coi là hình thức điều trị tốt nhất cho OCD. OCD được cho là một vấn đề dựa trên di truyền với các thành phần hành vi chứ không bắt nguồn từ tâm lý. Do đó, liệu pháp trò chuyện thông thường sẽ không giúp ích được nhiều. Xem xét lại những sự kiện đã qua trong cuộc sống của bạn hoặc cố gắng tìm hiểu xem cha mẹ bạn đã sai ở đâu trong việc nuôi dạy bạn chưa bao giờ được chứng minh là có thể làm giảm các triệu chứng của OCD. Các hình thức điều trị hành vi khác, chẳng hạn như huấn luyện thư giãn hoặc ngừng suy nghĩ (thắt dây chun vào cổ tay và nói từ “Dừng lại” với bản thân khi bạn có ý nghĩ ám ảnh) cũng không hữu hiệu. Loại liệu pháp hành vi được chứng minh là hiệu quả nhất đối với OCD được gọi là Tiếp xúc và Ngăn ngừa phản ứng (ERP hoặc E&RP).

E&RP bao gồm việc dần dần đối mặt với những suy nghĩ và tình huống mà bạn thấy đáng sợ trong khi chống lại việc thực hiện các hành vi cưỡng chế. Mục tiêu là ở lại với bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng để bạn phát triển sức chịu đựng đối với suy nghĩ hoặc hoàn cảnh, và biết rằng nếu bạn không thực hiện các biện pháp bảo vệ, cũng sẽ chẳng có gì xảy ra cả. Những người mắc chứng OCD không ở lại đủ lâu trong những tình huống đáng sợ để biết được sự thật. Tôi cố gắng khiến bệnh nhân của mình ở lại với những thứ đáng sợ đến mức gây ra một dạng mệt mỏi đối với các chủ đề này. Mục tiêu của chúng tôi là xóa bỏ suy nghĩ đó. Tôi nói với họ, “Bạn không thể buồn chán và sợ hãi cùng một lúc.” Mặc dù đối mặt với những suy nghĩ này có thể gây ra một mức độ lo lắng nhất định trong thời gian ngắn, CBT và ERP đều rất an toàn và hiệu quả đáng kể trong việc giảm bớt các triệu chứng trong khoảng thời gian vài tuần hay vài tháng.

Sự cưỡng bức cũng là một phần của hệ thống và phải được loại bỏ để quá trình hồi phục diễn ra. Có hai thứ có xu hướng duy trì sự cưỡng bức. Một là bằng cách thực hiện chúng, người mắc rối loạn chỉ càng bị thuyết phục về độ thực tế của những ám ảnh của họ, và sau đó bị thúc đẩy để thực hiện nhiều hành vi cưỡng bức hơn. Thứ còn lại là thói quen, nó cũng sẽ khiến một số người tiếp tục thực hiện các hành vi cưỡng chế, đôi khi rất lâu sau thời điểm việc thực hiện chúng đã bị quên đi. Thành phần nhận thức của CBT dạy bạn đặt câu hỏi về xác suất nỗi sợ hãi của bạn thực sự trở thành sự thật (luôn rất thấp hoặc thực tế là không), và thách thức logic cơ bản của chúng (luôn phi lý và đôi khi là kỳ lạ).

5. Mặc dù thuốc là một các trợ giúp, nhưng bản thân nó không phải là một phương pháp điều trị hoàn toàn

Bản chất của con người là luôn muốn có những giải pháp nhanh chóng, dễ dàng và đơn giản cho các vấn đề trong cuộc sống. Trong khi tất cả mọi người bị OCD đều muốn có một viên thuốc thần kỳ để loại bỏ các triệu chứng của họ, thực tế là hoàn toàn không có thứ đó tại thời điểm này. Thuốc không phải là phương pháp điều trị “hoàn hảo”; tuy nhiên, chúng là một phương pháp điều trị “khá tốt”. Nói chung, nếu bạn có thể giảm các triệu chứng từ 60 đến 70 phần trăm, thì đó được coi là một kết quả tốt. Tất nhiên, luôn có một số ít người có thể nói rằng các triệu chứng của họ đã hoàn toàn thuyên giảm nhờ một loại thuốc cụ thể. Họ là ngoại lệ chứ không phải là quy luật. Mọi người luôn hỏi tôi, “Loại thuốc tốt nhất cho OCD là gì?”  Câu trả lời của tôi là, “Loại phù hợp nhất với bạn.”  Tôi có một câu nói về thuốc: “Luôn có thứ hiệu quả với ai đó, nhưng không có thứ hiệu quả cho tất cả mọi người.”  Chỉ vì một loại thuốc cụ thể có hiệu quả với người mà bạn biết, không có nghĩa là nó sẽ hiệu quả với bạn.

Chỉ dựa vào thuốc nhiều khả năng đồng nghĩa với việc tất cả các triệu chứng của bạn sẽ không thuyên giảm và bạn sẽ luôn rất dễ bị tái phát đáng kể nếu ngừng thuốc. Các nghiên cứu về ngừng thuốc (trong đó những người chỉ dùng thuốc đồng ý ngưng dùng thuốc) đã chứng minh tỷ lệ tái phát rất cao. Điều này là do thuốc không phải là cách chữa bệnh, mà chỉ là một biện pháp kiểm soát. Ngay cả khi chúng đang hoạt động tốt, khi bạn ngừng dùng chúng, cơ địa của bạn sẽ sớm trở lại (thường là trong vài tuần) về trạng thái không khỏe mạnh trước đây. Thuốc sẽ cực kỳ hữu ích với vai trò là một phần của phương pháp điều trị toàn diện cùng với CBT. Trên thực tế, chúng nên được coi như một công cụ giúp bạn thực hiện liệu pháp. Chúng mang lại cho bạn lợi thế bằng cách làm giảm mức độ ám ảnh và lo lắng. Mặc dù những người bị OCD nhẹ thường xuyên có thể phục hồi mà không cần sử dụng thuốc, nhưng phần lớn những người bị OCD sẽ cần chúng để thành công. Một điều không may đối với thuốc là sự kỳ thị gắn liền với chúng. Việc phải sử dụng chúng không có nghĩa là bạn yếu hơn những người khác, mà bởi đây là thứ mà cơ địa đặc thù của bạn cần có để bạn có thể thành công. Không phải lúc nào bạn cũng có thể đơn độc chiến đấu với các phản ứng hóa học trong não. Sử dụng thuốc điều trị tâm thần không có nghĩa là bạn bị “điên”. Những người mắc chứng OCD không bị điên, ảo tưởng hoặc mất phương hướng. Khi các triệu chứng thuyên giảm , họ vẫn hoạt động bình thường như bất kỳ ai.

6. Bạn không thể và không nên phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác để kiểm soát sự lo lắng của bạn hoặc để trở nên khỏe mạnh

Để bắt đầu, và cũng là cách rõ ràng nhất là, hãy luôn dựa vào chính mình. Nếu bạn phụ thuộc vào người khác để kiểm soát sự lo lắng của mình bằng cách trấn an bạn, trả lời câu hỏi của bạn, chạm vào đồ vật cho bạn hoặc tham gia vào các nghi thức của bạn, bạn sẽ làm gì khi họ không ở bên cạnh? Tôi đoán là bạn có thể sẽ bất động và không tự lo liệu được. Điều này cũng đúng nếu bạn chỉ làm bài tập về nhà trị liệu khi người khác cằn nhằn hoặc nhắc nhở bạn. Không ai có thể muốn bạn phục hồi nhiều hơn chính bạn. Nếu động lực của bạn quá kém, đến mức bạn không thể tự mình tiếp tục (giả sử rằng bạn cũng không phải một trường hợp mắc trầm cảm chưa được điều trị), thì bạn sẽ chẳng biết điều gì là cần thiết để phục hồi khi mắc OCD. Như đã đề cập ở phần đầu, vì OCD là mãn tính, bạn sẽ phải học cách quản lý nó trong suốt cuộc đời. Vì việc bạn phải một mình xoay sở có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào không đoán trước được, bạn sẽ phải luôn hoàn toàn độc lập trong việc quản lý nó.

7. Mục tiêu của bất kỳ phương pháp điều trị tốt nào cũng là để dạy bạn trở thành nhà trị liệu của chính mình

Với điểm cuối cùng, một liệu pháp Hành vi Nhận thức tốt nên hướng đến cung cấp cho bạn các công cụ cần thiết để kiểm soát các triệu chứng một cách hiệu quả. Khi liệu pháp tiến triển, trách nhiệm hướng dẫn điều trị sẽ dần chuyển từ bác sĩ trị liệu sang bạn. Trong khi nhà trị liệu có thể bắt đầu bằng cách giao cho bạn các bài tập được thiết kế để giúp bạn đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi của mình, thì đến cuối cùng bạn nên học cách tự phát hiện các tình huống khó khăn và giao cho mình các bài tập khó khăn để giải quyết. Việc này sau đó sẽ trở thành khuôn mẫu mà bạn cần để xử lý mọi thứ trong suốt cuộc sống của mình.

8. Bạn không thể dựa vào trực giác của mình để quyết định cách đối phó với OCD

Khi sử dụng trực giác để đối phó với những gì nỗi ám ảnh có thể nói với bạn, có một điều bạn luôn có thể tin chắc: nó sẽ luôn dẫn bạn đi sai hướng. Muốn trốn thoát hoặc tránh khỏi những thứ khiến bạn sợ hãi là điều đương nhiên. Đó là bản năng. Nó thực sự khiến tôi ngạc nhiên về mức độ phổ biến của việc này. Điều này có thể ổn khi đối mặt với một con chó hung ác hoặc một con cá sấu giận dữ, nhưng vì nỗi sợ hãi của chứng OCD là kết quả của những suy nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu bạn, bạn không thể thoát khỏi nó được. Sự trốn tránh nhất thời khỏi nỗi sợ hãi mà hành vi cưỡng bức mang đến khiến người ta khờ dại dựa dẫm vào chúng. Mặc dù sự cưỡng bước mới đầu là một giải pháp, nhưng chúng sẽ sớm trở thành vấn đề ngay khi chúng bắt đầu chi phối cuộc sống của bạn. Những người mắc chứng OCD không bao giờ ở lại với những gì họ sợ đủ lâu để phát hiện ra rằng những thứ họ sợ không phải là sự thật. Chỉ bằng cách làm ngược lại những gì bản năng mách bảo, bạn mới có thể nhận ra điều này.

9. Cần có thời gian để phục hồi

Mất bao lâu? Bao lâu cũng được miễn là cần thiết cho một cá nhân cụ thể. Nói từ kinh nghiệm, tôi muốn nói rằng một ca OCD không biến chứng trung bình mất từ khoảng sáu đến mười hai tháng để thành công hồi phục hoàn toàn. Nếu các triệu chứng ở mức nghiêm trọng, nếu người bệnh làm việc với tốc độ chậm, hoặc nếu các vấn đề khác cũng xuất hiện, thì có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Ngoài ra, một số người cần phải thực hiện phục hồi cuộc sống của họ sau khi OCD đã được kiểm soát. OCD kéo dài có thể gây ra hậu quả nặng nề đối với khả năng sống của một người. Có thể đã lâu rồi họ không hòa nhập xã hội, có một công việc hoặc làm việc nhà hằng ngày, v.v. Một số người chưa bao giờ làm những điều này. Quay trở lại với các hoạt động này có thể làm tăng thêm thời gian cần thiết để kết thúc điều trị.

Bất kể mất nhiều thời gian, điều quan trọng là phải xem xét quá trình từ đầu đến cuối. Không có cái gọi là “hồi phục một phần.”  Những người tin rằng họ chỉ có thể chữa được những triệu chứng mà họ cảm thấy thoải mái khi đối mặt sẽ sớm thấy mình trở lại tình trạng như ban đầu. Các triệu chứng không được điều trị bằng cách nào đó sẽ phình to để lấp đầy khoảng trống mà những triệu chứng đã thuyên giảm để lại. Khi giải thích điều này cho bệnh nhân của mình, tôi ví nó như việc phẫu thuật ung thư. Tôi hỏi họ, “Bạn muốn bác sĩ phẫu thuật loại bỏ tất cả, hay để lại một phần?”  Hay nói cách khác, đây không phải là một trò chơi mà bạn có thể bỏ cuộc giữa chừng với phần thưởng đã đạt được và mong sẽ giữ lại được chúng.

10. Tái phát là một nguy cơ tiềm ẩn cần phải đề phòng

Câu nói yêu thích của tôi luôn là, “Phục hồi tốt là 50 phần trăm của việc điều trị, và giữ được tình trạng đó là 50 phần trăm còn lại”.  Thực ra chúng ta đã quay lại Điểm #1, nói rằng OCD là mãn tính. Điều này cho chúng ta biết rằng mặc dù không có cách chữa khỏi, bạn có thể phục hồi thành công và sống một cuộc sống không khác gì những người bình thưởng. Khi một người đã đến được điểm phục hồi, có một số điều cần được quan sát nếu họ muốn tiếp tục duy tì như vậy. Như đã đề cập trong Điểm # 7, mục tiêu của liệu pháp đúng đắn là dạy mọi người trở thành nhà trị liệu của chính họ. Nó cung cấp cho họ các công cụ để thực hiện điều này. Một trong những công cụ này là việc biết rằng không thể tránh né các tình huống sợ hãi được nữa. Nguyên tắc hoạt động tổng thể là những ám ảnh phải luôn được đối mặt ngay lập tức, và mọi hành vi cưỡng chế phải được chống lại. Khi người ta thấy mọi người tái phát, thường là do họ tránh khỏi nỗi sợ hãi ám ảnh mà sau đó không thể kiểm soát vì họ tiếp tục thực hiện các hành vi cưỡng chế. Một nguyên nhân khác có thể là do một người tin rằng họ đã khỏi bệnh và ngừng thuốc mà không nói cho ai biết. Thật không may, não không tự phục hồi khi dùng thuốc, và do đó khi không dùng nữa, nó sẽ trở lại trạng thái rối loạn chức năng trước đây của nó. Cuối cùng, một số người có thể đã hoàn tất quá trình điều trị của mình, nhưng lại lơ là không nói với bác sĩ trị liệu về tất cả các triệu chứng của họ, hoặc là họ đã không tiến xa đến mức cần thiết để đối mặt và vượt qua những điều họ đã làm. Khi theo đuổi điều trị OCD, điều quan trọng là phải đi đến cùng trong việc giải quyết tất cả các triệu chứng, để chuẩn bị cho bất cứ điều gì bạn có thể gặp phải trong tương lai.

Điều quan trọng cần nhớ là không ai là hoàn hảo, cũng như không ai có thể phục hồi hoàn toàn. Ngay cả khi việc phục hồi được duy trì tốt, đôi khi mọi người có thể bất cẩn và quên mất những gì họ cần làm. May mắn thay, luôn có một cơ hội khác để đối diện lại và vì vậy, thay vì tự chỉ trích và dằn vặt bản thân, họ có thể sớm lấy lại cân bằng nếu ngay lập tức trở lại và đối mặt với điều khiến họ sợ hãi, và sau đó không thực hiện hành vi cưỡng chế.

Cuối cùng, bởi vì sức khỏe là kết quả đến từ việc sống trong trạng thái cân bằng, điều cực kỳ quan trọng sau khi trị liệu là sống một cuộc sống cân bằng, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý, các mối quan hệ xã hội và làm việc hiệu quả.

(Nguồn: BeyondOCD)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục