Một người rối loạn nhân cách chống đối xã hội chức năng cao là gì?

Một người rối loạn nhân cách chống đối xã hội chức năng cao là gì?

Những người đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial personality disorder – ASPD) đôi khi được gọi là kẻ chống đối xã hội. Họ tham gia vào các hành vi thường là gây hại cho người khác vì lợi ích của chính họ.

Một “kẻ chống đối xã hội” ít quan tâm đến cảm xúc, quyền lợi hoặc trải nghiệm của người khác. Họ không hối hận về hành động của mình và họ hành động theo cách không quan tâm đến người khác, bao gồm nói dối, lừa gạt và thao túng.

Một số người mắc tình trạng này không mấy khéo léo trong cách cư xử. Một số khác lại khá giỏi lừa bịp.

Những người không thấy khó khăn gì khi thực hiện những hành vi không trung thực này có thể được gọi là những kẻ chống đối xã hội chức năng cao. Thật vậy, một người có hoạt động cao thường tỏ ra thu hút và nồng hậu, trong khi che giấu các hành vi và ứng xử thường là trái ngược hoàn toàn.

Những người mắc chứng ASPD hoạt động cao thường có thể làm những việc ‘thường ngày’ điển hình như có một công việc và duy trì một cuộc hôn nhân có con cái. Tuy nhiên, những hành vi điển hình này thường ẩn chứa xu hướng thao túng và lợi dụng con người và tình huống cho lợi ích của họ.

ASPD không phổ biến. Ước tính có từ 1 đến 4 phần trăm dân số mắc chứng rối loạn này, trong đó nam giới có nguy cơ được chẩn đoán mắc bệnh cao hơn nữ giới từ 3 đến 5 lần.

Nhưng những hành vi của một người mắc ASPD hoạt động cao có thể gây khó khăn cho những người sống cùng hoặc làm việc xung quanh họ.

Đọc tiếp để tìm hiểu lý do tại sao tình trạng này phát triển và những phương pháp điều trị nào có sẵn – cho dù bạn đang tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính mình hay người thân.

Nó khác gì với một kẻ chống đối xã hội chức năng thấp?

Một số cá nhân mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội không thể hiện những hành vi bóng bẩy và lịch sự như một chiếc mặt nạ cho sự thao túng của họ. Một số người có thể gọi những người này là kẻ chống đối xã hội ‘chức năng thấp’, mặc dù DSM-5 không sử dụng các thuật ngữ chức năng cao hoặc thấp để mô tả các hành vi liên quan đến ASPD.

Những người được coi là ‘những kẻ chống đối xã hội chức năng thấp’ có thể thiếu sự giáo dục hoặc các kỹ năng giao tiếp để kiểm soát và lừa dối. Thay vào đó, họ có thể sử dụng những lời hăm dọa, ép buộc hoặc đe dọa để đạt được kết quả mong muốn.

Các triệu chứng của kẻ chống đối xã hội chức năng cao là gì?

Không phải tất cả các triệu chứng ASPD hoạt động cao đều rõ ràng. Nhiều triệu chứng có thể trở nên rõ ràng hơn sau khi ý định hoặc mưu đồ thực sự được tiết lộ.

Các triệu chứng và đặc điểm tính cách bao gồm:

  • Trí thông minh vượt trội. Những người hoạt động cao thường cực kỳ thông minh, với chỉ số IQ rất cao có thể giúp họ đọc, thao túng và kiểm soát các tình huống.
  • Thiếu sự đồng cảm. Những người bị ASPD không hiểu được cảm xúc của người khác. Vì vậy, họ không đánh giá cao hoặc không lường trước được hậu quả từ hành động của mình.
  • Các hành vi toan tính. Những người mắc chống đối xã hội dạng này là người có định hướng và quyết tâm. Lòng yêu bản thân mạnh mẽ (tính ái kỷ) và tự thấy mình vĩ đại có thể là chất xúc tác của họ.
  • Xu hướng ưa giấu diếm. Những cá nhân hoạt động cao có thể che giấu kín kẽ những mưu toan của họ. Họ hiếm khi tiết lộ thông tin hoặc suy nghĩ riêng tư trừ khi để thao túng người khác.
  • Thu hút. Mặc dù nhìn chung họ không thích ở cạnh người khác, nhưng một kẻ hoạt động cao có thể thể hiện các kỹ năng xã hội hoàn hảo.
  • Nhạy cảm. Những người có ASPD hoạt động cao có thể rất phòng thủ. Họ có thể nhanh chóng tức giận khi nhận ra rằng họ không được ai đó chấp thuận. Đó là bởi vì họ thường nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác.
  • Các hành vi nghiện ngập. Không có gì lạ khi một người mắc chứng rối loạn nhân cách hoạt động cao lại bị nghiện. Các hành vi và phản ứng cưỡng bức có thể dẫn đến các vấn đề về cờ bạc, tình dục, rượu và ma túy.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn gặp một kẻ chống đối xã hội chức năng cao trong cuộc đời?

Duy trì mối quan hệ với một người mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội chức năng cao có thể khó, nhưng hoàn toàn có thể. Điều quan trọng là hãy quan tâm đến bản thân, thay vì thúc ép họ để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Những chiến lược này có thể hữu ích:

Hãy nhận thức một cách trung thực

Bạn không thể chữa cho một người mắc chứng bệnh này – không có cách nào chữa khỏi.

Nhưng bạn có thể trang bị những nguồn lực cần thiết để bảo vệ chính mình và dẫn dắt họ khỏi những tình huống gây tổn thương cho bạn.

Không thỏa thuận

Bạn không thể thực hiện các giao kèo hoặc dàn xếp với người mắc ASPD chức năng cao.

Chỉ có bạn mới cảm thấy bắt buộc phải duy trì cuộc thương lượng. Họ thì không. Điều này có thể gây ra thêm tác hại.

Hãy lắng nghe linh tính của bạn

Một người mắc chứng ASPD dạng này có thể rất giỏi trong việc điều khiển cảm xúc của người khác để đạt được mục đích của họ. Một khi sự thu hút của họ biến mất, bạn sẽ bị bỏ lại với thực tế.

Nếu bạn có linh tính sâu sắc về họ hoặc động cơ của họ, hãy lắng nghe tiếng nói thì thầm đó.

Kết thúc mối quan hệ

Cách cuối cùng để bảo vệ bản thân khỏi tác hại tiềm tàng của một người có hành vi chống đối xã hội dạng này là loại bỏ họ khỏi cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Tìm trợ giúp

Nếu bạn bị tổn thương bởi một người mắc ASPD, bạn có thể tìm sự trợ giúp.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần được đào tạo có thể giúp bạn hiểu được những gì bạn đã trải qua và học hỏi từ nó. Sau đó, họ có thể dạy bạn cách thiết lập các ranh giới bảo vệ để ngăn chặn sự lạm dụng trong tương lai.

Nguyên nhân là gì?

Không rõ chính xác tại sao một số người lại phát triển ASPD với mức chức năng cao hơn. Chưa có nguyên nhân nào được tìm ra.

Tuy nhiên, điều đã biết là một số người có nhiều khả năng phát triển loại ASPD này hơn những người khác.

Các yếu tố có thể gây ra rối loạn chống đối xã hội chức năng cao:

  • Giới tính. Nam giới có nhiều khả năng phát triển ASPD hơn nữ giới.
  • Di truyền. Tiền sử gia đình mắc bất kỳ loại ASPD nào cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này hoặc một loại bệnh tâm thần khác.
  • Rối loạn cư xử. ASPD chức năng cao khó có thể được chẩn đoán trước 18 tuổi, nhưng các vấn đề về hành vi thời thơ ấu có thể là dấu hiệu của rối loạn nhân cách như chống đối xã hội.
  • Chấn thương. Việc bị lạm dụng hoặc bỏ rơi thời thơ ấu làm tăng nguy cơ mắc loại rối loạn này.
  • Tuổi thơ bất ổn. Trẻ em được nuôi dưỡng trong môi trường nhiều biến cố, thậm chí bạo lực cũng có nguy cơ cao hơn.

Nó được chẩn đoán như thế nào?

Không có xét nghiệm đơn lẻ nào để chẩn đoán ASPD chức năng cao. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng thường không dựa vào các triệu chứng mà một người tự báo cáo. Đó là bởi vì những người mắc chứng rối loạn chức năng cao này rất thành thạo trong việc nói dối và che đậy những động cơ và suy nghĩ thực sự của họ.

Thay vào đó, các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng một danh sách các hành vi tiêu cực dai dẳng để xác định chứng chống đối xã hội chức năng cao.

Nếu một người có ít nhất ba trong số những hành vi chống đối xã hội này, họ có thể sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh:

  • coi thường các quy tắc, chuẩn mực hoặc ranh giới;
  • liên tục nói dối hoặc lừa dối để đạt được lợi ích cá nhân;
  • không có khả năng hành động với các kế hoạch dài hạn;
  • thường xuyên tham gia vào các hành vi bốc đồng;
  • thiếu sự hối hận về tổn thương hoặc nỗi đau mà họ đã gây ra;
  • không làm tròn trách nhiệm, chẳng hạn như cam kết công việc hoặc tài chính;
  • hành vi hung hăng, đặc biệt khi bị thách thức hoặc khó chịu; hành động khinh suất, ngay cả khi chịu trách nhiệm về của tình trạng hành phúc của người khác

Có cách điều trị nào không?

Hiện không có cách chữa trị cho bệnh chống đối xã hội hoạt chức năng và các phương pháp điều trị cũng bị hạn chế. Điều này có thể là do hầu hết những người mắc loại ASPD này sẽ không tìm cách điều trị vì họ không nhận ra hành vi của mình là có vấn đề hoặc có hại.

Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng bạn mắc chứng ASPD chức năng cao hoặc biết ai đó có thể mắc bệnh, thì có một số phương pháp điều trị có thể giúp bạn duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong khi làm việc để ngăn chặn các triệu chứng tồi tệ nhất.

Chúng bao gồm:

  • Trị liệu tâm lý: Hình thức trị liệu này có thể dạy bạn cách đối phó với cơn giận dữ, các hành vi gây nghiện và các triệu chứng khác.
  • Liệu pháp nhận thức-hành vi (CBT): Dạng liệu pháp này có thể giúp bạn khám phá ra nơi khởi nguồn hành vi của bạn. Bạn cũng có thể tìm cách để thay đổi các kiểu suy nghĩ có hại.
  • Thuốc: Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông mắc chứng ASPD dùng clozapine đã giảm bớt tính hung hăng và bạo lực. Tuy nhiên, loại thuốc trên hiện không được chấp thuận cho mục đích này. FDA đã không chấp thuận bất kỳ loại thuốc nào để điều trị tình trạng này, mặc dù một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng xảy ra cùng với nó, chẳng hạn như lo lắng hoặc hung hăng.

Bài học rút ra

Nếu bạn nghi ngờ một người bạn hoặc thành viên gia đình mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội chức năng cao, bạn có thể không thuyết phục được họ tìm cách điều trị. Nhiều người không nhận ra tác hại của tình trạng họ đang mắc với những người xung quanh.

Tuy nhiên, điều bạn có thể làm là tìm sự trợ giúp cho chính mình.

Bạn có thể học các kỹ thuật sẽ bảo vệ bạn chống lại sự lạm dụng và thao túng có thể xảy ra từ những người mắc dạng chống đối xã hội này. Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được nhưng những biện pháp này có thể giúp bạn duy trì mối quan hệ yêu thương, ổn định với họ.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể là người mắc ASPD chức năng cao, bạn cũng có thể tìm sự trợ giúp. Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể nói chuyện với bạn và bạn bè hoặc thành viên gia đình bạn để hiểu những hành vi mà bạn thể hiện.

Sau đó, bạn có thể thảo luận về các phương pháp điều trị và cách chăm sóc bản thân đúng cách.

(Nguồn: Healthline)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục