Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống

Tổng quan

Rối loạn ăn uống là tình trạng nghiêm trọng liên quan đến các hành vi ăn uống kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cảm xúc và khả năng thực hiện các lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn. Các rối loạn ăn uống phổ biến nhất là chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn và rối loạn ăn uống vô độ.

Hầu hết các rối loạn ăn uống liên quan đến việc tập trung quá nhiều vào cân nặng, hình thể và thức ăn, dẫn đến các hành vi ăn uống nguy hiểm. Những hành vi này có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng cơ thể hấp thụ dinh dưỡng thích hợp. Rối loạn ăn uống có thể gây hại cho tim, hệ tiêu hóa, xương, răng miệng và dẫn đến các bệnh khác.

Mặc dù rối loạn ăn uống có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng chứng bệnh thường phát triển ở tuổi thiếu niên và thanh niên. Sau khi điều trị, bạn có thể trở lại thói quen ăn uống lành mạnh hơn và ngược lại đôi khi chứng rối loạn ăn uống gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại rối loạn ăn uống. Chán ăn tâm thần, chứng cuồng ăn bulimia và rối loạn ăn uống vô độ là những chứng rối loạn ăn uống phổ biến nhất. Các rối loạn ăn uống khác bao gồm rối loạn nhai lại và rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế.

Chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần — thường được gọi đơn giản là chán ăn — là một chứng rối loạn ăn uống có thể đe dọa tính mạng, đặc trưng bởi thiếu cân nghiêm trọng, cực kỳ sợ tăng cân và nhận thức sai lệch về cân nặng hoặc hình thể. Những người mắc chứng chán ăn cố gắng hết sức để kiểm soát cân nặng và hình thể của mình, điều này thường ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt.

Khi chán ăn, bạn hạn chế calo quá mức hoặc sử dụng các phương pháp để giảm cân, chẳng hạn như tập thể dục quá sức, sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc hỗ trợ ăn kiêng, hoặc gây nôn sau khi ăn. Nỗ lực giảm cân, ngay cả khi thiếu cân, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến chết đói.

Chứng cuồng ăn bulimia

Chứng cuồng ăn bulimia — thường được gọi là chứng cuồng ăn — là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng. Khi mắc chứng cuồng ăn bulimia, bạn sẽ cảm thấy mất kiểm soát trong việc ăn uống dẫn đến việc cuồng ăn và đào thải thức ăn. Nhiều người mắc chứng cuồng ăn bulimia cũng hạn chế ăn uống trong ngày, điều này thường dẫn đến cuồng ăn và đào thải thức ăn nhiều hơn.

Trong những giai đoạn này, bạn thường ăn một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, và sau đó cố gắng loại bỏ lượng calo thừa theo cách không lành mạnh. Vì cảm thấy tội lỗi, xấu hổ và sợ tăng cân tột độ do ăn quá nhiều, bạn tự gây nôn hoặc tập thể dục quá sức hoặc sử dụng các phương pháp khác, chẳng hạn như thuốc nhuận tràng, để loại bỏ calo.

Nếu bạn mắc chứng cuồng ăn bulimia, có thể bạn đang ám ảnh về cân nặng và hình thể của mình, đồng thời có thể tự đánh giá nghiêm khắc và khắc nghiệt về những khiếm khuyết của bản thân. Bạn có thể ở mức cân nặng bình thường hoặc thậm chí hơi thừa cân.

Rối loạn ăn uống vô độ

Khi mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ, bạn thường xuyên ăn rất nhiều và cảm thấy mất kiểm soát trong việc ăn uống của mình. Bạn có thể ăn nhanh hoặc ăn nhiều hơn dự định, ngay cả khi bạn không đói và bạn có thể tiếp tục ăn ngay cả khi đã no tới mức khó chịu.

Sau cơn cuồng ăn, bạn có thể cảm thấy tội lỗi, ghê tởm hoặc xấu hổ vì hành vi của mình và lượng thức ăn đã tiêu thụ. Nhưng bạn không cố gắng bù đắp cho hành vi này bằng việc tập thể dục quá sức hoặc đào thải thức ăn như người mắc chứng cuồng ăn hoặc chán ăn. Ngượng ngùng có thể dẫn đến việc ăn một mình để che giấu cơn cuồng ăn.

Cơn cuồng ăn thường xảy ra ít nhất một lần một tuần. Bạn có thể cân nặng bình thường, thừa cân hoặc béo phì.

Rối loạn nhai lại

Rối loạn nhai lại là tình trạng ợ thức ăn liên tục và dai dẳng sau khi ăn, nhưng không phải do tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn ăn uống khác như chứng chán ăn, cuồng ăn bulimia hoặc rối loạn ăn uống vô độ. Thức ăn được đưa trở lại miệng mà không có cảm giác buồn nôn, và ợ thức ăn diễn ra trong vô thức. Đôi khi ợ thức ăn được nhai và nuốt lại hoặc nhổ ra.

Nếu thức ăn bị trào ra ngoài hoặc ăn ít hơn đáng kể để ngăn chặn chứng rối loạn có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Rối loạn nhai lại có thể xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh hoặc ở những người bị thiểu năng trí tuệ.

Rối loạn hấp thu thực phẩm do hạn chế

Chứng rối loạn này được đặc trưng bởi không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu hàng ngày vì bạn không có hứng thú với việc ăn uống; bạn tránh thực phẩm có các đặc điểm cảm quan nhất định, chẳng hạn như màu sắc, kết cấu, mùi hoặc vị; hoặc bạn lo lắng về hậu quả của việc ăn uống, chẳng hạn như sợ bị nghẹn. Tránh ăn uống vì sợ tăng cân.

Chứng rối loạn này có thể dẫn đến sụt cân đáng kể hoặc không tăng cân trong thời thơ ấu, cũng như thiếu hụt dinh dưỡng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe.

Khi nào nên gặp bác sĩ

Rối loạn ăn uống có thể khó tự quản lý hoặc vượt qua. Rối loạn ăn uống gần như kiểm soát cuộc sống của bạn. Nếu bạn đang gặp bất kỳ vấn đề nào trong số này hoặc nếu bạn nghĩ rằng mình có thể bị rối loạn ăn uống, hãy tìm kiếm trợ giúp y tế.

Thuyết phục người thân tìm cách điều trị

Thật không may, nhiều người bị rối loạn ăn nghĩ rằng họ không cần điều trị. Nếu bạn lo lắng cho người thân, hãy thuyết phục họ trao đổi với bác sĩ. Ngay cả khi người thân của bạn không sẵn sàng thừa nhận có vấn đề với thức ăn, bạn có thể bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách bày tỏ sự quan tâm và mong muốn lắng nghe.

Hãy cảnh giác với các thói quen và niềm tin ăn uống có thể báo hiệu hành vi không lành mạnh, cũng như áp lực từ bạn bè có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống. Dấu hiệu bất ổn có thể cho thấy rối loạn ăn uống bao gồm:

  • Bỏ bữa hoặc viện lý do để không ăn
  • Áp dụng chế độ ăn chay nghiêm ngặt
  • Tập trung quá mức vào việc ăn uống lành mạnh
  • Tự nấu ăn thay vì ăn những gì gia đình ăn
  • Tránh các hoạt động xã hội thông thường
  • Luôn lo lắng hoặc phàn nàn về tình trạng béo và giảm cân
  • Thường xuyên soi gương để phát hiện các khuyết điểm
  • Liên tục ăn một lượng lớn đồ ngọt hoặc thực phẩm giàu chất béo
  • Sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc nhuận tràng hoặc các sản phẩm thảo dược để giảm cân
  • Tập thể dục quá sức
  • Vết chai trên các khớp ngón tay do tự gây nôn
  • Mất men răng có thể là dấu hiệu của việc nôn trớ nhiều lần
  • Rời khỏi bữa ăn để sử dụng nhà vệ sinh
  • Ăn nhiều thức ăn hơn mức bình thường trong bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ
  • Cảm thấy chán nản, ghê tởm, xấu hổ hoặc tội lỗi về thói quen ăn uống
  • Bí mật ăn uống

Nếu bạn lo lắng rằng con mình có thể bị rối loạn ăn uống, hãy liên hệ với bác sĩ của trẻ để thảo luận. Nếu cần, bạn có thể nhờ giới thiệu một chuyên gia sức khỏe tâm thần có trình độ chuyên môn về chứng rối loạn ăn uống, hoặc nếu bảo hiểm của bạn cho phép chi trả, hãy liên hệ trực tiếp với một chuyên gia.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn ăn uống vẫn chưa được biết. Cũng như các bệnh tâm thần khác, có thể có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như:

Yếu tố gen và sinh học. Một số người có gen làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống. Các yếu tố sinh học, chẳng hạn như sự thay đổi các chất hóa học trong não, có thể đóng một vai trò nào đó trong rối loạn ăn uống.
Sức khỏe tâm lý và tình cảm. Các vấn đề về tâm lý và cảm xúc góp phần gây ra rối loạn ăn uống. Họ có thể có lòng tự trọng thấp, cầu toàn, hành vi bốc đồng và các mối quan hệ rắc rối.

Các yếu tố nguy cơ

Mặc dù nam giới cũng có thể mắc chứng rối loạn ăn uống, nhưng các nữ thiếu niên và phụ nữ trẻ có nhiều khả năng mắc chứng biếng ăn hoặc cuồng ăn bulimia hơn nam thiếu niên và nam giới trẻ. Mặc dù rối loạn ăn uống có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi, nhưng chứng bệnh thường phát triển ở thời thanh thiếu niên và đầu những năm 20 tuổi.

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống, bao gồm:

  • Tiền căn gia đình. Rối loạn ăn uống có nhiều khả năng xảy ra hơn ở những người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc chứng rối loạn ăn uống.
  • Các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường có tiền sử rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
  • Ăn kiêng và bỏ bữa. Ăn kiêng là một yếu tố nguy cơ phát triển chứng rối loạn ăn uống. Đói sẽ ảnh hưởng đến não và thay đổi tâm trạng, suy nghĩ cứng nhắc, lo lắng và giảm cảm giác thèm ăn. Có bằng chứng chắc chắn chỉ ra rằng nhiều triệu chứng của rối loạn ăn uống thực chất là triệu chứng của tình trạng đói ăn. Bỏ bữa và giảm cân có thể thay đổi cách thức hoạt động của não ở những người dễ bị tổn thương, điều này có thể kéo dài các hành vi ăn uống nghiêm ngặt và khó trở lại thói quen ăn uống bình thường.
  • Căng thẳng. Sự thay đổi như chuẩn bị vào đại học, chuyển nhà, tìm việc mới hay vấn đề gia đình hoặc mối quan hệ, có thể mang lại căng thẳng, làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.

Các biến chứng

Rối loạn ăn uống gây ra nhiều biến chứng, một số có thể đe dọa đến tính mạng. Rối loạn ăn uống càng trầm trọng hoặc kéo dài, bạn càng có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
  • Trầm cảm và lo âu
  • Có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát
  • Các vấn đề về tăng trưởng và phát triển
  • Các vấn đề xã hội và mối quan hệ
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
  • Các vấn đề về công việc và học tập
  • Tử vong

Phòng ngừa

Mặc dù không có cách chắc chắn nào để ngăn ngừa chứng rối loạn ăn uống, nhưng đây là một số chiến lược để giúp con bạn phát triển các hành vi ăn uống lành mạnh:

  • Tránh ăn kiêng xung quanh con bạn. Thói quen ăn uống của gia đình có thể ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận thức ăn. Ăn các bữa ăn cùng nhau giúp bạn cơ hội để dạy con bạn về những nguy hiểm của việc ăn kiêng và khuyến khích ăn một chế độ ăn uống cân bằng với các khẩu phần hợp lý.
  • Nói chuyện với con bạn. Ví dụ, có rất nhiều trang web truyền bá những ý tưởng nguy hiểm, chẳng hạn như xem chứng biếng ăn như một lựa chọn lối sống hơn là một chứng rối loạn ăn uống. Điều quan trọng là phải sửa chữa mọi nhận thức sai lầm như thế này và nói chuyện với con bạn về những rủi ro của việc ăn uống không lành mạnh.
  • Nuôi dưỡng và củng cố sự tự cảm nhận hình thể một cách tích cực ở con bạn, bất kể hình dạng hoặc kích thước nào của trẻ. Nói chuyện với con bạn về hình ảnh bản thân và cam đoan rằng hình dạng cơ thể có thể thay đổi. Tránh chỉ trích cơ thể của bạn trước mặt trẻ. Trẻ em có thể phát triển một ý thức mạnh mẽ về giá trị bản thân và khả năng phục hồi bằng cách nghe những thông điệp về sự chấp nhận và tôn trọng, điều này sẽ giúp chúng vượt qua những khoảng thời gian đầy khó khăn của những năm thiếu niên.
  • Nhờ sự giúp đỡ từ bác sĩ của con bạn. Khi khám sức khỏe cho trẻ, bác sĩ có thể xác định các dấu hiệu ban đầu của chứng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như họ có thể hỏi trẻ về thói quen ăn uống và sự hài lòng với ngoại hình của chúng trong các cuộc hẹn khám sức khỏe định kỳ. Những lần thăm khám này nên bao gồm kiểm tra bách vị phân chiều cao, cân nặng và chỉ số khối lượng cơ thể, có thể cảnh báo bạn và bác sĩ về bất kỳ thay đổi quan trọng nào.

Nếu bạn nhận thấy một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè dường như có dấu hiệu của chứng rối loạn ăn uống, hãy cân nhắc nói chuyện với người đó về mối lo ngại của bạn đối với sức khỏe của họ. Mặc dù bạn có thể không ngăn được chứng rối loạn ăn uống phát triển, nhưng việc tiếp cận với lòng thương cảm có thể khuyến khích người bệnh tìm cách điều trị.

(Nguồn: MAYO CLINIC)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục