Những lợi ích to lớn của âm nhạc đối với não bộ và khả năng đọc hiểu

Khi trẻ học âm nhạc – chuyên sâu và trong thời gian dài – khả năng đọc của chúng cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Khi lên 10 tuổi, Gevon Goddard bắt đầu chơi cello với Play On Philly, một chương trình âm nhạc cường độ cao được phát hành tại trường trung học cơ sở Philadelphia của cậu. Không lâu sau, cậu đã luyện tập và chơi cello hơn 10 giờ mỗi tuần.

Goddard kể rằng càng luyện tập nhiều thì bài vở ở trường dường như càng trở nên dễ dàng hơn. Chẳng hạn, cậu đã có thể đọc và phân tích các đoạn văn đang đọc nhanh hơn và tốt hơn, và cậu hiểu nhiều từ ngữ trong văn bản hơn. Goddard, giờ đây là sinh viên Đại học Temple, cho biết: “Các bài học âm nhạc của tôi đã giúp tôi trở thành một sinh viên mạnh mẽ hơn. “Tôi thường sử dụng kỹ năng âm nhạc của mình để phân tích một đoạn văn và đạt điểm cao nhất trong lớp.” Quá trình đào tạo âm nhạc nghiêm ngặt của anh ấy đã giúp Goddard “nhập môn” vào các lĩnh vực học thuật khó nhằn và “nắm bắt chúng”. Là một học sinh trung bình ở trường cấp hai, cậu đã trở thành một học sinh trung học có thành tích cao, luôn đạt điểm A trong các môn học.

Mối liên hệ thật không ai ngờ tới: Việc luyện tập kèn trumpet hoặc cello có thể khiến bạn trở thành một nhạc sĩ giỏi hơn, nhưng nó có thể thực sự khiến bạn trở thành một người đọc tốt hơn không?

Tấm gương phản chiếu

Bộ não con người chưa từng được thiết kế cho chức năng đọc. Khác với các khu vực dành riêng cho ngôn ngữ và âm nhạc, không có “trung khu đọc” trong não bộ và không có “gen đọc” có thể nhận dạng trong tế bào của con người. Con người đã phát minh ra khả năng đọc và viết chỉ cách đây hơn 5.000 năm, về cơ bản là tái kết nối các cấu trúc não hiện có dành riêng cho thị giác và ngôn ngữ thành một bộ máy chuyên biệt để quét nhanh các ký hiệu thị giác và tạo ý nghĩa cho chúng.

Nói một cách đơn giản, mạch thần kinh để đọc – thường được gọi là não đọc – kết hợp các quá trình thị giác diễn ra trong vỏ não (để nhìn các chữ cái và từ ngữ), các quá trình thính giác trong vỏ não thính giác (để nghe âm thanh và nhịp điệu mà các chữ cái và từ tạo ra và kết nối chúng với các từ đã viết), và các quá trình ngôn ngữ ở bán cầu não trái (để hiểu được ý nghĩa của các chữ cái và từ đã viết).

Theo các nhà thần kinh học, việc chơi nhạc hay học hát, bao gồm nhiều tiến trình song song. Ví dụ, một sinh viên biết chơi piano có thể nhìn các nốt trên một bản nhạc và liên kết chúng với âm thanh mà họ tạo ra; chăm chú lắng nghe để liên kết các nốt nhạc và nghe xem chúng có được phát đúng cao độ và trường độ hay không; và chủ động dự đoán phần âm nhạc kế tiếp. Từ các bước nhìn ký hiệu trên trang giấy, lắng nghe âm thanh mà biểu tượng tạo ra, và dự đoán những điều có thể xảy ra tiếp theo; ta có thể thấy rằng việc chơi một bản sonata cũng tương tự như đọc một bài thơ hoặc một đoạn văn khó.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc làm đi làm lại các nhiệm vụ âm nhạc đầy thử thách giúp tăng cường khả năng đọc một cách đáng kể, từ đó thúc đẩy học tập mạnh mẽ. Elaine Bernstorf, giáo sư sư phạm âm nhạc và đồng tác giả của cuốn The Music and Literacy Connection (tạm dịch: “Mối liên hệ giữa âm nhạc và khả năng đọc viết”), cho biết: “Các trường học luôn quan ngại rằng học sinh đọc không đủ tốt. Tuy nhiên, các trường học thường không nhận ra rằng “giáo viên dạy nhạc cũng chính là giáo viên dạy đọc”.

Âm thanh của việc đọc

Đối với trẻ nhập cư, việc học cách đọc bằng một ngôn ngữ mới có thể rất khó khăn. Nhưng vào năm 2016, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Justus Liebig ở Đức đã phát hiện ra rằng một chương trình đào tạo âm nhạc không quá đắt đỏ — ba buổi luyện tập hát và đánh trống theo nhịp một tuần, mỗi buổi 20 phút — vẫn có những tác động đáng kể đến sự tiếp nhận âm vị học của trẻ mẫu giáo nhập cư trong nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Mặc dù quy mô mẫu của nghiên cứu này còn hạn chế, chúng tôi nhận thấy quy mô tác động lớn của việc đào tạo âm nhạc đối với sự tiếp nhận âm vị học, đặc biệt là ở cấp độ từ ngữ bao gồm sự hòa trộn, phân đoạn và vần điệu”.

Nhà Sinh vật học Thần kinh – người chuyên nghiên cứu về sự phát triển não bộ của các giống loài khác nhau, Nina Kraus, tác giả của cuốn sách Of Sound Mind: How Our Brain Constructs a Meaningful Sonic World (tạm dịch: “Về tâm trí khỏe mạnh: Não chúng ta tạo nên thế giới âm thanh đầy ý nghĩa như thế nào”), cho biết: “Việc luyện tập âm nhạc cải thiện quá trình đọc trước hết bằng cách tăng cường sự chú ý của não bộ vào âm thanh; khi một đứa trẻ học cách đọc và chơi nhạc hoặc hát các nốt nhạc cụ thể, khả năng não bộ phân tách các đơn vị âm thanh song song tạo nên các từ, được gọi là âm vị, trở nên nhạy bén hơn.”

Các nhà nghiên cứu T. Christina Zhao và Patricia Kuhl thuộc Viện Nghiên cứu và Khoa học Não tại Đại học Washington đã viết về sự nhạy cảm bắt đầu sớm: “Ngay cả những đứa trẻ tiếp xúc với những giai điệu sơ khai cũng bộc lộ sự cải thiện trong khả năng phát hiện những thay đổi tinh tế trong nhịp điệu của ngôn ngữ từ khi tiếp xúc với âm nhạc: “Khả năng trích xuất nhanh chóng các mẫu và mã dự đoán các kích thích chưa xảy ra đã được chứng minh ở cả người lớn và trẻ sơ sinh — tuy nhiên sự nâng cao khả năng này thông qua sự can thiệp của âm nhạc ở trẻ sơ sinh cũng có rất nhiều tiềm năng.” “Ý tưởng này chứng thực cho bằng chứng gần đây cho thấy khả năng nhận thức cấp cao hơn — chẳng hạn như trí nhớ ngắn hạn và chức năng điều hành — được cải thiện ở người lớn và trẻ em đã trải qua đào tạo về âm nhạc.”

Nền tảng của sự cải thiện này là những thay đổi đáng chú ý trong cấu trúc não đến từ sự luyện tập âm nhạc. Trong một nghiên cứu kéo dài 2 năm so sánh giữa sinh viên âm nhạc trẻ so với sinh viên không qua đào tạo âm nhạc, nhà Thần kinh học Assal Habibi cùng nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam California đã phát hiện ra rằng vỏ đại não (phần não cảm nhận âm thanh, giọng nói và ngôn ngữ) của sinh viên âm nhạc có quá trình làm mỏng vỏ não chậm hơn, và phần thể chai (phần não tạo điều kiện giao tiếp giữa các bán cầu não) có khả năng kết nối mạnh mẽ hơn.

Habibi chia sẻ với Edutopia: “Việc học âm nhạc dường như thúc đẩy sự phát triển và trưởng thành trong các vùng não xử lý âm thanh, lời nói và nhịp điệu. Khi được so khớp độ tuổi với các nhóm kiểm soát, bộ não của các sinh viên âm nhạc trông trưởng thành hơn”.

Cải thiện khả năng tập trung, chú ý và trí nhớ

Đối với Stanford Thompson, người sáng lập và giám đốc điều hành của chương trình Play On Philly, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trải nghiệm âm nhạc thay đổi cuộc đời của Gevon Goddard, học sinh trung học đã học chơi cello sau khi tham gia chương trình âm nhạc này. Linh cảm rằng chức năng điều hành được cải thiện có góp phần trong những kết quả đáng chú ý mà ông thấy ở các sinh viên của mình, Thompson đã mời nhà tâm lý học Steven Holochwost của CUNY để xem xét sâu hơn.

Trong khoảng thời gian hai năm, Holochwost và nhóm của ông đã giao cho các sinh viên âm nhạc một loạt nhiệm vụ để kiểm tra trí nhớ ngắn hạn, khả năng kiểm soát ức chế và sự chú ý có chọn lọc — các chức năng cốt lõi của “hệ điều hành” não bộ — để theo dõi sự cải thiện theo thời gian. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các sinh viên âm nhạc không chỉ “đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn [và] giành được điểm cao hơn trong môn Anh văn và toán học,” mà còn cho thấy “hiệu suất vượt trội trong các nhiệm vụ được chọn của EF (chức năng điều hành) và trí nhớ ngắn hạn,” theo những gì Holochwost cùng nhóm nghiên cứu viết.

Nghiên cứu khác xác nhận phát hiện của Holochwost: Trẻ mẫu giáo ở Trung Quốc cho thấy khả năng tự điều chỉnh được cải thiện sau 12 tuần học hát, nhảy và nhạc lý cơ bản; và sau khi được đào tạo về âm nhạc, trẻ em Canada đã cho thấy sự “chuyển giao” mạnh mẽ các kỹ năng thuộc chức năng điều hành sang các nhiệm vụ phi âm nhạc.

Các nghiên cứu cho thấy những loại thay đổi não bộ này có ý nghĩa lớn đối với vai trò của việc đào tạo âm nhạc trong cuộc sống của trẻ em — như một học sinh lớp sáu tên Andres. Khi Andres bắt đầu học chơi violin thông qua Dự án Hòa âm, một chương trình âm nhạc sau giờ học ở Los Angeles, cậu đã bị tụt hậu về mặt học tập và gặp khó khăn trong các tiết học ESL (ngoại ngữ Anh). Nhưng vào cuối năm lớp bảy, cậu đã chuyển sang lớp tiếng Anh trình độ cao; điều đó minh chứng rằng sự tự kỷ luật cần có để tham gia dàn nhạc — sự tập trung chú ý cần thiết để sử dụng thành thạo nhạc cụ và chơi đúng nốt nhạc đúng lúc — là một kĩ năng có thể chuyển đổi, một sự thay đổi trong tư duy len lỏi vào một số phần quan trọng nhất trong cuộc đời học tập của học sinh.

Một phát hiện đáng ngạc nhiên ở những trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Trong khi đó, đào tạo âm nhạc chuyên sâu có thể mang lại những biến đổi đáng kể cho trẻ theo nhiều cách bất ngờ khác. Hai thập kỷ trước, Dự án Harmony đặt ra mục tiêu mang lại chương trình giảng dạy âm nhạc chất lượng cao cho trẻ em sống ở một số khu dân cư nguy hiểm nhất ở Los Angeles. Mỗi tuần năm giờ hướng dẫn bằng nhạc cụ và cố vấn ban đầu mang mục đích là một biện pháp can thiệp phòng chống bạo lực từ các cấp phổ thông, tuy nhiên, các giáo viên đã sớm nhận thấy những cải thiện đáng kể trong đời sống học tập của học sinh. Điểm số của học sinh bắt đầu tăng lên – không phải là ít, mà là rất nhiều. Những học sinh tham gia chương trình ban đầu hầu như không nói được tiếng Anh, nhưng giờ đây đã đạt điểm A và đăng ký vào các lớp tiếng Anh AP một vài năm sau đó. Những đứa trẻ gắn bó với âm nhạc trong nhiều năm đều tốt nghiệp loại xuất sắc, thường là những đứa trẻ đầu tiên trong gia đình được vào đại học, thậm chí một số em còn theo học các trường như Harvard và Stanford.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2022, Margaret Martin, học giả nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và cũng là nhà sáng lập chương trình, đã cùng một nhóm các nhà nghiên cứu so sánh các nhóm học sinh trong khuôn khổ Dự án Harmony và học sinh ngoài dự án ở năm trường tiểu học Title I có tỷ lệ nghèo cao trên khắp Los Angeles. Kết quả thật đặc biệt: so với nhóm đối chứng không qua đào tạo âm nhạc, học sinh của Dự án Harmony có kết quả vượt trội hơn hẳn trong các bài kiểm tra chuẩn hóa, với 17 điểm môn toán và 26 điểm môn tiếng Anh. Những học sinh bắt đầu với thành tích thấp nhất đạt được kết quả cao nhất: trung bình 33 điểm môn toán và 39 điểm môn tiếng Anh.

Ngay cả Martin cũng bị kinh ngạc trước tác động của chương trình. Martin chia sẻ: “Có thể nói, những gì chúng tôi làm được là một chương trình ngoại khóa dẫn đến sự cải thiện đáng kể về điểm số môn toán và môn đọc. Điều này có thể thay đổi mọi thứ.”

Kraus nói, đào tạo âm nhạc giúp não bộ điều chỉnh những biểu hiện trong não thường được cho là do ảnh hưởng của hoàn cảnh khó khăn – cái mà Kraus gọi là “dấu hiệu thần kinh của hoàn cảnh khó khăn”. Trong một dự án nghiên cứu với Trường Công lập Chicago, Kraus cùng nhóm nghiên cứu đã theo dõi hơn 200 học sinh lớp 9 học cách chơi nhạc cụ lần đầu tiên. Họ đã theo dõi những học sinh học nhạc muộn này trong suốt 5 năm, cùng với một nhóm đối chứng gồm những học sinh có khả năng đọc và chỉ số IQ tương tự, nhưng chỉ tham gia tập luyện thể chất. Sau hai năm, các nhà nghiên cứu nhận thấy, “phản ứng thần kinh của nhóm học âm nhạc trở nên nhanh hơn so với trước, trong khi thời gian phản ứng thần kinh của học sinh trong nhóm luyện tập thể chất không thay đổi”.

Bộ não của những học sinh học nhạc đã trở nên mạnh hơn và nhanh hơn trong việc xử lý âm thanh – đặc biệt là liên quan đến việc đọc và phát triển ngôn ngữ. Trong cuốn Of Sound Mind (tạm dịch: “Tâm trí của Âm thanh”), Kraus viết: “Người chơi nhạc có thể làm cho âm thanh trở nên rõ ràng hơn bằng cách xử lý các thành phần âm thanh chính hiệu quả hơn, từ đó cải thiện âm thanh họ tạo ra. Do đó, việc tạo ra âm nhạc góp phần làm giảm bớt ảnh hưởng của hoàn cảnh khó khăn bằng cách tăng cường phản ứng của não đối với các tín hiệu mang tính nhịp điệu và các tín hiệu về mặt thời gian.”

(Nguồn: Edutopia, Biên tập: Keira Ngo)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục