Những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết về bệnh tâm thần phân liệt đều sai?

Những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta biết về bệnh tâm thần phân liệt đều sai?

Khi tiểu thuyết gia và cựu y tá sức khỏe tâm thần Nathan Filer gặp một bệnh nhân không chịu uống thuốc, điều đó đã khiến anh ta bắt đầu một cuộc hành trình vào thế giới phức tạp và mâu thuẫn của bệnh tâm thần phân liệt.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi ép buộc một người uống thuốc trái ý muốn của anh ta. Lúc đó là 13 năm trước, không lâu sau khi tôi đủ điều kiện trở thành y tá sức khỏe tâm thần, và tôi bắt đầu sự nghiệp của mình khi làm việc tại một khu điều trị tâm thần, nơi cung cấp đánh giá và điều trị cho người trưởng thành trong giai đoạn cấp tính của các bệnh tâm thần nghiêm trọng.

Có một bệnh nhân (là người sử dụng dịch vụ, khách hàng, con trai, anh em trai hoặc bạn bè, tùy thuộc vào người mà bạn hỏi) mà tôi sẽ gọi là Amit. Amit đã từ chối bất kỳ loại thuốc nào trong gần ba tuần và với lý do khá chính đáng. Loại thuốc chúng tôi cung cấp cho anh ta có chứa chất độc. Nó đã được kê đơn bởi một bác sĩ muốn làm hại anh ta. Trên thực tế, vị bác sĩ này – một bác sĩ tư vấn tâm thần – đã bị gạch tên khỏi sổ đăng ký y tế vì lạm dụng Amit trong những lần nhập viện trước và vì vậy hiện đang làm việc bất hợp pháp tại khu điều trị. Nhiều nhân viên y tá biết điều này, và đã giữ kín việc đó.

Trong thời gian uống thuốc buổi sáng, Amit đứng ở ngưỡng cửa phòng khám của khu điều trị, theo dõi tôi rất kỹ. Anh ta quan sát cử động của tay tôi trên xe đẩy thuốc khi tôi bí mật thay thế những viên thuốc thông thường của anh ta bằng những viên có chất gây hại.

Anh ta đang mặc cùng bộ quần áo mà anh ta đã mặc lúc ngủ và một đôi giày thể thao cũ, một chiếc có vết hở toác ở một bên. Amit biết nguồn nước cung cấp cho phòng của anh ấy đã bị cố ý gây ô nhiễm, và vì vậy anh ta chưa từng tắm rửa kể từ khi nhập viện. Tôi sẽ cố gắng nói chuyện với anh ấy một lần nữa sau này – để tìm ra câu từ thích hợp – nhưng hiện tại, ít nhất, việc uống thuốc là ưu tiên hàng đầu.

Tôi kiểm tra lại liều lượng thuốc trên biểu đồ của anh ấy, cho hai viên vào một cái lọ nhựa trong suốt và chìa ra cho anh ấy uống. Anh ta nhìn chằm chằm vào nó. Cả hai chúng tôi đều nhìn chằm chằm như thế. Tôi đã thử nói vài lời trấn an. “Tôi biết cậu đang cảm thấy khó tin tưởng chúng tôi vào lúc này, Amit. Tôi hiểu điều đó. Chúng tôi nghĩ rằng mọi việc là do một phần nào đó trong cậu đang không khỏe trở lại.” Anh ấy biết tôi đang nói dối. “Tôi sẽ uống chúng trong phòng tôi,” anh nói. Tôi biết anh ta đang nói dối. “Cậu biết là chuyện sẽ không diễn ra theo cách đó. Tôi xin lỗi, nhưng tôi cần nhìn thấy cậu uống chúng. ”

Anh ta thận trọng đưa tay ra và lấy cái lọ từ tay tôi. Anh ta chọc vào viên thuốc bên trong. Những ngón tay của anh ta nhuốm màu vàng sẫm do thuốc lá. “Không. Anh nói đúng”, anh ta nói, đặt cái lọ lên trên xe đẩy thuốc và lùi ra khỏi phòng khám, quan sát tôi suốt trong lúc đó. Khi anh ta biến mất trên hành lang dài dẫn về phía phòng ngủ của anh ta, tôi ghi chữ “T”, viết tắt của “từ chối” lên bảng theo dõi việc dùng thuốc của anh ta. Tất nhiên là anh ta từ chối. Tại sao anh ta lại không từ chối cơ chứ? Nếu tôi ở vào vị trí của anh ấy, tôi biết tôi cũng sẽ làm vậy.

Nhưng tôi không biết liệu mình có từ chối với sự đàng hoàng như anh ấy đã thể hiện hay không, khi chiều hôm đó đội C&R bước vào phòng ngủ của anh ấy.

C&R. Kiểm soát và kiềm chế. Các kỹ thuật hợp pháp (nếu có tranh cãi) mà các y tá sức khỏe tâm thần được đào tạo để khiến một người không thể chống trả. Trong những năm tiếp theo, khóa đào tạo này sẽ được đổi tên thành “phòng ngừa và quản lý bạo lực và gây hấn”, điều này là hợp lý nếu một người đang đập phá khu khám bệnh hoặc đe dọa làm tổn thương ai đó; nhưng vào những lúc như thế này, theo quan điểm của tôi, mô tả đầu tiên có vẻ trung thực hơn.

Họ đã quyết định trong một cuộc họp nhóm rằng đây là ngày cuối cùng Amit có thể từ chối thuốc uống trước khi chúng tôi sử dụng dạng tiêm. Theo cách nói của tâm thần học: trạng thái tinh thần của anh ta đang xấu đi từng ngày; anh ta chai mặt với nhiều dịch vụ sức khỏe tâm thần; và đây là một biểu hiện điển hình và có tính mô thức về căn bệnh của anh ta. Nếu chúng tôi có thể đưa anh ta trở lại với liều lượng thuốc ổn định, anh ta có thể sẽ đáp ứng tốt.

Amit đang ngồi trên giường, hút thuốc và dò tìm kênh trên một chiếc radio cầm tay. Anh ấy đang nói chuyện với một ai đó mà không ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy. Anh ta ngước lên. Chúng tôi có năm người.

“Tôi có phải cầu xin các người không?” anh ấy hỏi.

Không có từ ngữ nào là không gây tranh cãi khi nói về bệnh tâm thần – và điều đó bao gồm cả cụm từ ‘bệnh tâm thần’, một đồng nghiệp của tôi đã giải thích các lựa chọn của anh ấy, như thể chúng có tồn tại. Nhưng đó là đôi điều mà tôi còn nhớ. Tôi có phải cầu xin các người không? Đó là lý do tại sao tôi cố gắng giữ cho tay mình không run khi cuối cùng anh ấy đã bị đè xuống giường và tôi được giao cho việc tiêm thuốc. Anh ấy đã không gây sự. Chúng tôi không cần phải ngăn chặn và quản lý sự bạo lực và gây hấn. Từ góc nhìn của Amit, tôi biết rằng chúng tôi đã làm nó tồi tệ hơn. Trong khoảnh khắc đó, dù ý định tốt đến đâu, tôi vẫn đang góp phần vào sự đau khổ của anh ấy.

Đó là khoảng thời gian tôi bắt đầu thử viết một cuốn tiểu thuyết. (Có một câu trích dẫn hay của Peter Cook tóm tắt khá nhiều kinh nghiệm của tôi về việc này: “Tôi đã gặp một người đàn ông trong một bữa tiệc. Anh ấy nói, ‘Tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết.’ Tôi nói, ‘Ồ vậy sao? Tôi cũng không.’”) Tôi đang sống trong một căn hộ nhỏ ở nội thành Bristol, và giữa những ca làm việc tại khu khám bệnh, tôi sẽ ngồi hàng giờ đồng hồ bên bàn làm việc, tưởng tượng về cuộc sống của một chàng trai trẻ đang mắc các triệu chứng của một căn bệnh kỳ lạ và thường bị hiểu nhầm (hoặc căn bệnh, tình trạng, sang chấn, hiện tượng, lời nguyền hoặc thứ trời phú, tùy thuộc vào người bạn hỏi), cũng như cuộc sống của gia đình và bạn bè của người đàn ông này. Đối với tôi, hiểu được những gì nhân vật này đã trải qua là một bài tập giàu trí tưởng tượng. Hay nói một cách khác: một hành động đồng cảm.

Đây là điểm chung của việc viết tiểu thuyết và chăm sóc sức khỏe tâm thần. Để làm tốt mỗi việc trong số đó cần có sự đồng cảm; sự nỗ lực để hiểu cảm xúc của người khác. Tất nhiên, với tư cách là một tác giả tiểu thuyết, tôi cũng có trách nhiệm tạo ra những vấn đề mà tôi phải đồng cảm. Mặc dù vậy, nghĩ về Amit, có lẽ tôi cũng đã làm điều đó khá thường xuyên với tư cách là một y tá.

Tôi quyết định không chẩn đoán cho nhân vật trong tiểu thuyết của mình, nhưng nếu có, có lẽ tôi đã chọn chứng “tâm thần phân liệt”. Một từ hay, nhỉ? Nó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp skhizein, “tách ra”, và phren, nghĩa là “tâm trí”. Lúc đó chẳng có gì là ngạc nhiên khi nhận thức về một người bị phân tách thành hai hoặc nhiều tính cách khác biệt đã tồn tại một cách bất biến trong trí tưởng tượng của công chúng. Có điều, nó hoàn toàn vô nghĩa.

Hãy làm rõ điều này ngay từ đầu: tâm thần phân liệt không có nghĩa là nhân cách bị phân tách. Nó cũng không có nghĩa là đa nhân cách. Nhưng tuyên bố nó không phải là gì thực sự dễ dàng hơn nhiều so với việc khẳng định nó là gì. Có những cuộc tranh luận sôi nổi và đáng tin cậy trong các lĩnh vực tâm thần học, tâm lý học, di truyền học, khoa học thần kinh và giữa nhiều tổ chức từ thiện hoặc nhóm chiến dịch về sức khỏe tâm thần khác nhau về mọi thứ, từ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ đến phân loại và điều trị, và liệu thực sự chẩn đoán này có đang tồn tại lâu hơn tính hữu ích của nó hay không (nếu nó đã từng hữu ích) và nên được xây dựng lại từ đầu hoặc bị bãi bỏ hoàn toàn.

Nếu chúng ta định dự phần vào cuộc tranh luận này, điều đầu tiên cần làm rõ là không được có từ ngữ gây tranh cãi nào khi nói về bệnh tâm thần – và điều đó bao gồm chính cụm từ “bệnh tâm thần”. Nhìn chung, tranh cãi xung quanh một thuật ngữ có xu hướng liên quan đến cảm nhận về mặt y tế của nó ra sao. Hãy xem thử danh từ chung chỉ những người tiếp cận điều trị. Nếu bạn đang sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần và cho rằng những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn của bạn là một căn bệnh có lẽ đang nằm đâu đó trong não, và về cơ bản là giống như bất kỳ bệnh thể chất nào, thì bạn có thể muốn cho rằng mình là một “bệnh nhân”. Rốt cuộc, nếu bạn cũng giống như những bệnh nhân đang được chăm sóc vì gãy xương, viêm phổi, ung thư, tiểu đường và nhiễm trùng ngực, vậy tại sao bạn phải được gọi là một cái gì đó khác biệt?

Tuy nhiên, nếu bạn có quan điểm – được nhiều người, bao gồm cả các chuyên gia y tế chia sẻ – rằng ngay cả những suy nghĩ đáng báo động nhất của bạn, và những thay đổi nghiêm trọng nhất trong tâm trạng hay những hành vi bất thường nhất, cũng không phải là triệu chứng của bệnh tật. Chúng chẳng qua chỉ là một phản ứng tự nhiên đối với chấn thương không thể chịu đựng được hoặc các sự kiện đau buồn trong cuộc sống, hoặc thậm chí là tình cảnh nghèo đói. Nếu vậy thì cách chúng bị gói gọn vào một thuật ngữ y khoa bắt đầu với việc bạn trở thành một “bệnh nhân” dường như hết sức có vấn đề. Chính trong quá trình đào tạo điều dưỡng của bản thân tôi, thuật ngữ “người sử dụng dịch vụ” hiện đang được ưa chuộng đã đạt được sức hút nhất định, vì nó được coi là trung lập hơn. Nhưng còn những người như Amit thì sao? Những người bị giam giữ trong bệnh viện và bị bắt dùng thuốc trái với ý muốn của họ? Liệu danh từ chung “người sử dụng dịch vụ” có thực sự phù hợp với họ? Bằng cả lương tâm liệu chúng ta có thể nói rằng họ đang sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần không? Chắc hẳn là không.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người tránh né cả hai thuật ngữ và tự nhận mình là “người sống sót”, trong khi hội đồng của Trường Cao đẳng Tâm thần Hoàng gia gần đây đã xem xét lại từ “bệnh nhân”. Và nếu tất cả những điều này nghe có vẻ phức tạp và đầy rẫy yếu tố chính trị, thì đó là bởi vì nó chính xác là như vậy.

Ngôn ngữ chẩn đoán, dù tốt hơn hay tệ hơn, đều có khả năng thay đổi sâu sắc cuộc sống của người khác. Như với bất kỳ cuộc tranh luận sôi nổi nào, hầu như chắc chắn sẽ có những yếu tố thành kiến ở tất cả các bên. Điều đó nói rằng, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu gạt đi bất kỳ điều nào trong số này, và coi chúng là không quan trọng. Vâng, đó là một cuộc tranh cãi về ngôn ngữ. Nhưng trong thế giới chăm sóc sức khỏe tâm thần, ngôn ngữ là tất cả. Một sự thật đơn giản, không được nhiều người đánh giá cao, là phần lớn các chẩn đoán sức khỏe tâm thần không đạt được bằng cách xem xét các xét nghiệm máu, quét não hoặc bất cứ thứ gì tương tự. Chúng không thể. Các xét nghiệm này không tồn tại. Đúng hơn, chính những lời mọi người nói – hoặc không nói ra – theo cách giải thích của các chuyên gia, cũng như bất cứ điều gì khác sẽ xác định một chẩn đoán.

Và ngôn ngữ chẩn đoán, dù tốt hơn hay tệ hơn, đều có sức mạnh thay đổi sâu sắc cuộc sống của một người. Nếu một thứ gì đó tưởng chừng vô hại như từ “bệnh nhân” lại là chủ đề của một cuộc tranh cãi như vậy, thì bây giờ chúng ta có thể bắt đầu hình dung ra những cơn bão tranh luận đen tối đang vần vũ quanh chủ đề thực sự to lớn là “tâm thần phân liệt”.

Chẩn đoán bí ẩn với cái tên gây hiểu lầm này theo truyền thống được coi là trung tâm của tâm thần học; là tình trạng xác định nên ngành này. Vùng đất trung tâm này cũng là chiến trường diễn ra các cuộc tranh chấp ý thức hệ gay gắt nhất về sự điên rồ và ý nghĩa của nó. Hãy tin tôi khi tôi nói với bạn những tranh chấp này rất khốc liệt. Thật kỳ lạ, những sự gay gắt tột cùng này tồn tại giữa hai phe chuyên nghiệp hoạt động chặt chẽ cùng nhau, và nhiều người còn cho rằng chúng là một và giống nhau. Cái tôi đang nói ở đây là về các ngành khác biệt nhưng có liên quan là tâm thần học và tâm lý học.

Nhưng trong số tất cả các từ có tiền tố “psych-”, từ chứa nhiều quan niệm sai lầm phổ biến nhất là “psychosis” (chứng loạn thần) – thường được coi là một đặc điểm xác định của cái gọi là tâm thần phân liệt. Mặc dù không phải là một thuật ngữ đặc biệt chính xác, nhưng ở mức độ rộng nhất và đơn giản nhất, chứng loạn thần mô tả hiện tượng một người mất kết nối với thực tế – hoặc, ở bất kỳ mức độ nào, mất kết nối với những gì mà hầu hết người khác coi là thực tế.

Bản thân nó không được coi là một căn bệnh, mặc dù nó chắc chắn có thể là triệu chứng của bệnh tật. Ví dụ, đó là một đặc điểm điển hình trong hầu hết các dạng sa sút trí tuệ. Nhiều người trong chúng ta sẽ mắc chứng loạn thần vào một thời điểm nào đó trong đời; chúng ta thậm chí còn có thể tích cực theo đuổi nó. Đó là tác dụng mong muốn của nhiều loại thuốc kích thích. Nếu bạn thử LSD và nó không làm sai lệch hoàn toàn trải nghiệm thực tế của bạn, thì tôi khuyên bạn nên tìm một nguồn cung mới.

Điều quan trọng là, cái mà chúng ta gọi là chứng loạn thần cũng có thể là phản ứng của căng thẳng hoặc sang chấn tâm lý cực độ. Đối với nhiều người, cách hiểu tốt nhất là xem nó như một kiểu thích ứng tâm lý, một chiến lược đối phó đã trở nên lệch lạc hoặc một hình thức kể chuyện được thực hiện trong tâm trí như một phản ứng với những sự kiện không thể chịu đựng được trong cuộc sống. Dù nguyên nhân của nó là gì, chứng loạn thần thường gặp qua ảo giác và ảo tưởng. Việc Amit tin rằng chúng tôi đang âm mưu làm hại anh ấy có thể được mô tả như một sự ảo tưởng. Nó cũng có thể được mô tả như một phản ứng dễ hiểu đối với những gì đang xảy ra với anh ta.

Hầu hết những người được chẩn đoán là mắc chứng tâm thần phân liệt đều trải qua kiểu tách biệt với thực tế này. Thông thường – mặc dù không phải luôn luôn – điều này gây đau khổ sâu sắc và có thể dẫn đến những hành vi kỳ lạ, khi người đó cố gắng tìm lối đi và tồn tại trong thế giới thù địch, đã bị thay đổi của họ.

Chứng loạn thần có thể là một đặc điểm chính của cái gọi là tâm thần phân liệt, nhưng nó không phải là toàn bộ vấn đề. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: một sự phân tách trong quá trình suy nghĩ; nói năng lộn xộn; hành vi bừa bãi; phản ứng cảm xúc lãnh đạm hoặc không thích hợp; suy giảm khả năng chú ý và rút lui khỏi xã hội một cách đáng kể. Trong một bài nói chuyện nổi tiếng trên TED, Giáo sư Elyn Saks, một chuyên gia về sức khỏe tâm thần, người mà bản thân đang sống với chẩn đoán tâm thần phân liệt, khẳng định: “Tâm trí của người tâm thần phân liệt không bị chia cắt mà bị tan vỡ”. Đó cũng là một hiện tượng phổ biến đáng ngạc nhiên. Một thống kê trong nhiều năm cho thấy trên toàn thế giới, nó ảnh hưởng đến khoảng một trên một trăm người

Ngót chín năm sau lần đầu tiên tôi ngồi trước máy tính, nhìn chằm chằm vào trang viết trắng một cách vô vọng, cuốn tiểu thuyết “The Shock of the Fall” (Cú sốc của mùa thu) của tôi – bằng một phép màu nào đó – đã hoàn thành. Vào thời điểm đó, tôi đã rời bỏ công việc điều dưỡng tuyến đầu để làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học Bristol. Tôi cũng đã có một đứa con gái nhỏ, đã kết hôn và đang tự hỏi liệu một ngày nào đó tôi có nên thử viết một cuốn sách khác không. Sau đó, các email được gửi đến.

Chúng đến từ những người tôi chưa bao giờ gặp nhưng đã đọc câu chuyện hư cấu của tôi về một thanh niên sống với căn bệnh “tâm thần phân liệt” và đã dành thời gian để chia sẻ câu chuyện của chính họ. Nhiều người thất vọng, số khác thì hy vọng. Họ hiếm khi có kiểu bố cục đầu, giữa và cuối được sắp xếp gọn gàng mà với tư cách là một tiểu thuyết gia, tôi có đủ điều kiện để tạo ra. Một sự thật về hiện tượng kỳ lạ mà chúng ta gọi là bệnh tâm thần là nó lộn xộn và hỗn loạn; nó có thể cực kỳ khó hiểu, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên thử. Có một sự mong manh đối với sức khỏe tinh thần của mọi người. Nó phục vụ tất cả chúng ta để trở thành một phần của cuộc trò chuyện.

Tôi nhận ra rằng tôi cần phải suy nghĩ nhiều hơn về các khái niệm như kỳ thị (và tại sao các chiến dịch chống kỳ thị có thể không đi đúng hướng); chẩn đoán tâm thần (và tại sao khoa học đằng sau vấn đề này lại thiếu sót một cách sâu sắc); nguyên nhân của “bệnh tâm thần” (và tại sao đôi khi những gì cần “sửa chữa” có thể lại không hề nằm bên trong một cá nhân); ảo tưởng và ảo giác (và cách chúng trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta, mọi lúc) và thuốc điều trị tâm thần (bao gồm những lỗ hổng trong các bằng chứng đằng sau hoạt động kê đơn thuốc hiện tại).

Vào ngày đầu tiên làm việc tại một bệnh viện tâm thần, tôi đã dành phần lớn thời gian ngồi trong phòng hút thuốc ảm đạm và uống trà với “những người sử dụng dịch vụ”. Một người nào đó rít một hơi thuốc dài và nói với tôi rằng trước khi đến khu bệnh xá, họ chưa biết những nơi như thế này thực sự tồn tại. Tôi không biết phải nói gì, điều đó tình cờ có nghĩa là tôi có thể đã làm điều tốt nhất. Tôi đã lắng nghe. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tìm được những từ thích hợp nhưng chúng ta có thể đi dạo với mọi người một chút, ngồi với họ, lắng nghe họ nói.

(Nguồn: The Guardian)

Có Thể Bạn Quan Tâm