Chọn loại nhạc nào để học tốt hơn và làm việc tập trung hơn?

Tôi để ý rằng nhiều học sinh thường nghe nhạc trong khi học tập. Tôi không có lý do chính đáng nào để yêu cầu học sinh tháo tai nghe và tắt thiết bị. Khi đi quanh phòng, tôi thán phục những lời văn súc tích mà phong nhã mỗi học trò viết ra.

Tôi hỏi một học sinh tại sao việc nghe nhạc giúp cô ấy tập trung hơn. “Âm nhạc giúp em thấy thoải mái và bớt căng thẳng hơn” cô ấy nói. “Không chỉ vậy, Ed Sheeran hát rất đỉnh.”

Thời còn là sinh viên, tôi đã dành không biết bao nhiêu thời gian ngồi học trong một góc tối trong thư viện của Đại học Brandeis. Tôi thường không để ý thời gian trôi qua để rồi tự hỏi bao giờ mới nhìn thấy mặt trời lần nữa. Có một lần, mẹ tôi phải gọi điện hỏi tại sao tôi chưa về nhà trong ngày lễ. Tôi đã quên mất kỳ nghỉ, vì quá tập trung bắt tay vào làm một bài luận văn về lịch sử trong khi nghe đi nghe lại bài “Thunder Road” của Bruce Springsteen.

Nếu không tính đến việc tự cô lập bản thân, đối với tôi, âm nhạc cũng không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn giúp tăng sự tập trung – hoặc ít nhất là tôi nghĩ vậy, cho đến khi tôi đọc được nghiên cứu của Tiến sĩ Nick Perham, giảng viên Trường Khoa học Sức khoẻ tại Đại học Cardiff, Wales.

Suy giảm hiệu suất

Nghiên cứu năm 2010 của nhà Tâm lý học Perham cho thấy cách âm nhạc có thể cản trở hiệu suất hoạt động của trí nhớ ngắn hạn.

Gần đây tôi có cơ hội trò chuyện với Perham, ông đã giải thích cho tôi về những “hiệu ứng âm thanh không liên quan.” Ông lấy ví dụ một chủ thể đang thực hiện một hành động nhất định, chẳng hạn như ghi nhớ một dãy số, đồng thời nghe các loại nhạc nền khác nhau. Nếu nhạc nền có nhiều biến thể âm thanh, hay còn được Perham gọi là “trạng thái thay đổi mạnh”, thì hiệu suất sẽ bị suy giảm. So với loại trên, nhạc nền ở trạng thái ổn định với ít biến thể âm thanh không làm giảm hiệu suất quá nhiều.

Tôi cũng quan tâm đến một số kết luận khác của Perham. Ông nói: “Chúng tôi phát hiện ra rằng việc nghe những bài hát mình thích hay không thích mang lại hiệu suất như nhau và đều kém hơn so với điều kiện kiểm soát yên tĩnh.” “Cả hai đều làm giảm hiệu suất trong các hoạt động ghi nhớ hàng loạt.”

Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò rằng hoạt động ghi nhớ quan trọng như thế nào đối với cuộc sống hàng ngày và liệu một người có thể sống bình thường mà không cần phát triển kỹ năng này hay không. Perham cho rằng điều này rất khó xảy ra, vì người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ số điện thoại, tính nhẩm và thậm chí cả học ngôn ngữ.

“Yêu cầu học thông tin theo thứ tự được cho là nền tảng của việc học ngôn ngữ. Nếu xem xét một ngôn ngữ bất kì, có thể nói rằng, khi học ngữ pháp hay các quy tắc đặt câu, bạn đều cần phải học về thứ tự thông tin…” – Perham nói.

Ông đã hỏi các đối tượng nghiên cứu của mình rằng họ nghĩ họ đã thực hiện hoạt động hiệu quả đến mức nào khi tiếp xúc với những gu âm nhạc khác nhau. Mọi người báo cáo rằng họ làm việc kém hiệu quả hơn khi nghe loại nhạc mình không thích, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy rằng không có sự khác biệt.

Tôi đã cho học sinh của mình biết về những phát hiện của Perham, nhưng nhiều học sinh vẫn không chấp nhận rằng việc nghe nhạc trong khi học sẽ làm giảm hiệu quả học tập. Tôi thậm chí còn cho một trong số những học trò sáng dạ và biết suy nghĩ này quyền truy cập trước vào buổi podcast phỏng vấn của tôi với Perham.

“Em thích nghe nhạc trong khi làm toán,” cô nói. “Việc đó giúp em suy nghĩ tốt hơn và em vẫn sẽ tiếp tục nghe nhạc kể cả khi biết về nghiên cứu này.”

Im lặng là vàng

Học sinh của tôi đã nhầm, nhưng Perham giải thích rằng cô ấy nên nghe nhạc trước khi đi làm, để kích hoạt thứ được gọi là “hiệu ứng kích thích và tâm trạng”. Trên thực tế, miễn làm là cô ấy làm điều gì đó vui vẻ trước khi đọc sách – cho dù đó là nghe nhạc hay làm bất cứ điều gì khác – các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng điều này có thể tạo ra tác động tích cực tương tự đối với hiệu suất.

Sau đó, tôi hỏi Perham về “hiệu ứng Mozart”. Một thử nghiệm trước đó cho thấy, những cá nhân mới nghe những đoạn nhạc cổ điển nổi tiếng của Mozart có kỹ tăng tư duy không gian tốt hơn. Khi những người đó ngừng nghe nhạc và được yêu cầu cắt và gấp giấy, họ thể hiện tốt hơn so với khi nghe những thể loại nhạc khác.

“Các nghiên cứu sau đó đã cho thấy nghiên cứu này không đúng.” – Perham nói.

Thay vào đó, việc hiệu suất được cải thiện liên quan nhiều hơn đến sở thích về âm thanh mà người ta nghe trước khi tham gia vào hoạt động đó.

Perham nói: “Họ phát hiện rằng điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn thích nghe những câu chuyện của Stephen King, “Việc này không hề liên quan đến nhạc cổ điển hay Mozart, mà là liệu bạn có thích nghe thứ gì hay không.”

Trong một nghiên cứu gần đây của mình, Perham cho biết, ông nhận thấy rằng việc vừa đọc vừa nghe nhạc, đặc biệt là nhạc có lời, làm giảm khả năng đọc hiểu. Trong trường hợp này, lời bài hát, chứ không phải biến thể âm thanh, đã làm giảm hiệu suất.

Perham nói: “Bạn vừa phải xử lý thông tin ngữ nghĩa trong sách, vừa phải xử lý thông tin ngữ nghĩa từ lời bài hát. Nếu bạn hiểu lời bài hát, thì không quan trọng là bạn có thích hay không, nó sẽ làm giảm hiệu quả đọc hiểu của bạn.”

Để tự thử nghiệm lên bản thân, tôi quyết định rằng mình sẽ viết bài báo này trong không gian hoàn toàn yên tĩnh. Dạo gần đây, tôi thường vừa viết vừa nghe nhạc của Dave Matthews, John Mayer và những bản nhạc “chill” khác. Tôi không chắc thử nghiệm của mình có khớp với phát hiện của Perham hay không, nhưng tôi đã viết xong trong một nửa thời gian tôi thường bỏ ra khi viết những bài báo dài thế này.

Ít nhất, tôi hy vọng rằng thử nghiệm của mình sẽ thu hút các sinh viên cũng thử không nghe nhạc trong lúc học tập.

(Nguồn: Edutopia, Biên tập: Keira Ngo)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục