Âm nhạc tạo điều kiện cho não bộ học tập như thế nào?

Theo những nghiên cứu Tâm lý học Nhận thức mới nhất, để nhận được những lợi ích của âm nhạc đối với việc học tập, ta cần có thói quen âm nhạc thường xuyên và phong phú.

Mười năm trước, nhạc sĩ Angélica Durrell bắt đầu dạy một nhóm nhỏ học sinh trung học Connecticut cách chơi các nhạc cụ gõ khác nhau, bao gồm charango và toyos – các nhạc cụ có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, quê hương của nhiều học sinh mới nhập cư. Họ học cách chơi bài Canon của Pachelbel và sau đó chuyển sang chơi thuần thục “Will You Love Me Tomorrow”, bản hit doo-wop những năm sáu mươi của The Shirelles, hát lời bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Ảnh: Đàn Charango

Trong vòng một vài năm, chương trình âm nhạc sau giờ học – nhắm đến đối tượng là học sinh Latinh, nhiều em trong số các học sinh này đang gặp khó khăn trong học tập — đã trở nên nổi tiếng trong học khu. Nó đã biến tấu từ một chương trình ngoại khóa “mang tính giải trí” thành một công cụ chiến lược để giải quyết một số những thách thức dai dẳng. Giáo viên và lãnh đạo nhà trường nhận thấy, các học sinh của Durrell đi học đều đặn hơn, tiếng Anh của họ ngày càng cải thiện và họ dường như ngày càng thoải mái hơn khi kết bạn.

Việc tiếp xúc thường xuyên với âm nhạc, chẳng hạn như học chơi một nhạc cụ hoặc tham gia các bài học về giọng hát có thể củng cố các bộ kỹ năng học thuật, cũng như các kỹ năng cảm xúc xã hội cần thiết cho quá trình học tập. Theo nghiên cứu mới nhất trong Thần kinh học Nhận thức [cognitive neuroscience], các bộ môn khác, chẳng hạn như điền kinh, không thể sánh được với âm nhạc. Bởi lẽ học nhạc không chỉ củng cố mạnh mẽ các kỹ năng ngôn ngữ, xây dựng và cải thiện khả năng đọc, mà còn củng cố trí nhớ và khả năng chú ý.

Lợi ích về mặt nhận thức của âm nhạc

Các nhà nghiên cứu cho biết, chìa khóa để hiểu được lợi thế của âm nhạc nằm ở cách não bộ xử lý âm thanh, nguyên liệu thô của âm nhạc. Đây cũng chính là cách não bộ sử lý ngôn ngữ và từ đó, học đọc. Những âm thanh đi vào tai chúng ta được truyền đi dọc theo một “con đường thính giác” phức tạp về mặt giải phẫu, con đường này kết nối mạnh mẽ với các phần khác của bộ não quyết định cách con người di chuyển, cách chúng ta suy nghĩ và nói, những gì chúng ta biết và những gì chúng ta chú ý đến.

Nhà khoa học thần kinh Nina Kraus, tác giả của cuốn sách mới Of Sound Mind (Tâm trí của Âm thanh), giải thích trong một cuộc phỏng vấn với trang Edutopia: “Khu vực não bộ dành cho thính giác rất rộng lớn”. Mọi người nghĩ về vùng xử lý thính giác chỉ là một ngăn bên trong não. Trên thực tế, thính giác tham gia vào các hệ thống não bộ liên quan tới nhận thức hay tư duy, giác quan, vận động và hệ thống tưởng thưởng của chúng ta. Nó rất lớn. Từ quan điểm tiến hóa, từ xa xưa, con người đã có khả năng hiểu được âm thanh và có khả năng này kết nối tất cả các yếu tố khác nhau trong cuộc sống với âm thanh.

Điều làm cho việc học âm nhạc trở nên có ích đến vậy là cách nó kết nối tất cả các hệ thống não bộ khác nhau kể trên trong một hoạt động duy nhất. Ví dụ, để chơi violin, một học sinh cần phối hợp các hệ thống vận động, nhận thức và cảm giác để có thể đặt ngón tay lên đúng dây và di chuyển violin vào đúng thời điểm; để đọc các nốt nhạc trên một bản nhạc và biết chúng đại diện cho âm thanh nào; và để nghe xem cao độ và nhịp điệu có chính xác hay không và phối hợp với những người chơi khác vào đúng thời điểm.

Sau đó, ta có cảm xúc mà âm thanh của âm nhạc mang lại cho học sinh. Chính những âm thanh đó sẽ thắp sáng hệ thống tưởng thưởng của não bộ, khiến học sinh cảm thấy vui vẻ và hứng thú. Sự tham gia của tất cả các hệ thống khác nhau này làm cho việc học cách chơi nhạc trở thành một trong những hoạt động trí não phong phú và sâu sắc nhất mà con người thực hiện. Kraus viết: “Các giáo viên quả quyết với tôi rằng những đứa trẻ chơi nhạc cũng học giỏi hơn ở trường”. Các nhạc sĩ trẻ cũng có xu hướng có kỹ năng đọc và ngôn ngữ tốt hơn những người không phải là nhạc sĩ vì não của họ đã dành nhiều thời gian hơn để tích cực “tương tác với âm thanh”.

Loại nhạc cụ không quan trọng: sáo, vĩ cầm, accordion, piano, giọng hát — thậm chí việc tiếp xúc nhiều với âm nhạc cũng đem lại những tác động tích cực. Kraus nói: “Điều quan trọng là tương tác với âm thanh sẽ thay đổi và củng cố cách não phản ứng với âm thanh”.

Âm nhạc như một công cụ gia tăng sức mạnh học tập

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khả năng giữ nhịp điệu ổn định và dự đoán nhịp điệu tiếp theo là những chỉ số đáng tin cậy cho thấy một đứa trẻ đã sẵn sàng học đọc. Nhưng duy trì nhịp điệu không phải là kỹ năng âm nhạc duy nhất mở đường cho sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc, nhà nghiên cứu giáo dục Anita Collins ghi nhận trong cuốn sách mới của cô, The Music Advantage.

Học cách đọc nhạc — giải mã ký hiệu âm nhạc và kết nối nó với âm thanh — kích hoạt cùng “vòng lặp âm vị học” trong não giống như khi trẻ học đọc từ, làm sâu sắc thêm các kết nối âm thanh-từ ngữ. Collins mô tả quá trình này trong cuốn sách của cô ấy:

• Mắt nhìn thấy một ký hiệu trên trang giấy, cho dù đó là nốt Sol hay chữ t ở đầu một từ

• Bộ não nghe thấy âm thanh, kéo âm thanh đó ra khỏi bộ nhớ âm thanh và phát âm mà mọi bộ não sở hữu

• Bộ não hướng dẫn cơ thể tạo ra âm thanh đó, cho dù đó là những bàn tay chơi nhạc cụ hay khuôn miệng được tạo hình để tạo ra âm thanh t

• Bộ não lắng nghe để đảm bảo tạo ra âm thanh chính xác, sau đó điều chỉnh cách phát âm hay chơi nhạc nếu cần thiết,

(Từ trang 54 của cuốn The Music Advantage)

Việc xử lý âm thanh củng cố hoạt động của các vùng não chịu trách nhiệm học ngôn ngữ và học đọc — và trong khi các nhà khoa học thần kinh vẫn đang tìm hiểu cách thức và lý do, Collins viết rằng nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng “âm nhạc và đọc sách có thể là các hoạt động bổ trợ việc học, và âm nhạc hoạt động như một công cụ mạnh mẽ để cải thiện việc học ngôn ngữ.”

Âm thanh của sự gắn kết xã hội

Khi đợt phong toả xã hội vì Covid-19 lần đầu tiên lan rộng trên toàn cầu vào tháng 3 năm 2020, nhiều video cho thấy mọi người ở Ý hát cùng nhau từ ban công. Vào thời điểm cực kỳ căng thẳng và bị giãn cách, người Ý đã tìm đến âm nhạc để kết nối với những người hàng xóm của họ.

Âm nhạc và những bài hát là một trong những cách cơ bản nhất mà con người kết nối với nhau trong hàng nghìn năm. Collins nói với Edutopia: “Âm nhạc sống trong phần lâu đời nhất của não bộ”. “Âm nhạc và những bài hát ít nhất cũng có tuổi đời tương đương với ngôn ngữ và lời nói”.

Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt vào năm 2018, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toronto đã phát hiện ra rằng một người lớn cùng hát đồng thanh với một đứa trẻ một tuổi sẽ làm tăng sự gắn kết xã hội ở đứa trẻ đó. Nhiều khả năng đứa trẻ sẽ giúp đỡ người lớn này hơn khi họ sau đó “vô tình” đã đánh rơi một món đồ. Nghiên cứu này đã được thực hiện đi thực hiện lại nhiều lần, Collins viết, và cho thấy cách âm nhạc tạo ra mối liên kết căn bản khuyến khích hành vi xã hội như cảm thông và giúp đỡ — đây chính là những hành vi mà người lớn muốn trẻ phát triển khi chúng lớn lên và các hành vi mà trường học cố gắng dạy bằng cách sử dụng các nguyên lý của việc học xã hội và cảm xúc.

Khi học sinh hát vang bài hát của trường tại các trận bóng rổ, hoặc hát bài hát dọn dẹp ở trường mẫu giáo, đó là một cách vô cùng hiệu quả để củng cố các mối liên kết xã hội cơ bản của con người. Kelly Green, phó chủ tịch phụ trách giáo dục của Kindermusik, nơi tạo ra chương trình giảng dạy âm nhạc cho học sinh mầm non dựa trên nghiên cứu cho biết: “Ca hát là một công cụ rất hiệu quả để khiến trẻ em cảm thấy hòa mình vào cộng đồng”. “Đó là chương trình giáo dục cảm xúc xã hội ở mức độ sâu sắc.”

Giống như các ca sĩ trên ban công của Ý trong thời gian giãn cách xã hội, ca hát và sáng tác nhạc có nội dung nhân văn có thể đặc biệt hữu ích đối với các em học sinh trong giai đoạn hiện nay, khi tình trạng cô đơn, lo lắng và trầm cảm đang tăng vọt trong giới trẻ. Nhưng Green nói rằng, trẻ em ở trường hát ít hơn nhiều so với trước đây. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng “học nhạc chỉ để làm nhạc sĩ,” Collins nhận xét. “Mọi người không cảm thấy tự tin để hát nữa. Nỗi sợ hãi ẩn chứa dưới câu nói “Tôi không thể hát, tôi không rành về âm nhạc” là vô cùng sâu sắc. Khi tôi bắt đầu hát với học sinh, các em thường nhận ra ca hát chỉ là một kỹ năng luyện tập được. Khi tất cả những điều này bắt đầu xảy ra. Các em mới tiếp tục cảm nhận được cảm giác hưng phấn này.

Lợi ích từ sự tham gia sâu sắc và liên tục đối với trẻ em

Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục giải mã một số lý do đằng sau câu hỏi tại sao việc học âm nhạc lại có lợi cho học sinh – nhưng họ có đủ dữ liệu để kết luận rằng việc nghe nhạc hoặc viết một bài hát cho một dự án của lớp học chỉ mới là sự bắt đầu ở cấp độ sơ khai. Để có được những lợi ích tối đa cho não bộ, học sinh nên tích cực tham gia vào âm nhạc bằng cách học chơi một nhạc cụ hoặc học hát, tốt nhất là trong một nhóm. Bằng chứng này đủ sức thuyết phục để khuyến nghị giáo dục âm nhạc như một lớp học riêng biệt cho tất cả trẻ em — và ở khắp các cấp lớp — như một khoản đầu tư cực kỳ quan trọng.

Hay như Nina Kraus nói, “Âm nhạc nên là một phần trong chặng đường giáo dục của mọi đứa trẻ. Tôi khẳng định là như vậy.”

(Nguồn: Edutopia, Biên tập: Keira Ngo)

Có Thể Bạn Quan Tâm

    Mục Lục